Giá hoa quả, thực phẩm phục vụ cúng rằm tháng 7 không biến động nhiều

11/08/2022 16:28

Những ngày gần đây, thị trường thực phẩm, hoa quả ở Hà Nội diễn ra khá sôi động, vì nhu cầu người dân mua về để thắp hương mùa lễ Vu Lan tăng cao. Giá cả nhiều mặt hàng có nhích hơn chút, giá trái cây giảm nhẹ so với trước.

Chú thích ảnh

Giá thịt lợn đang có xu hướng giảm "nhiệt".

Tại chợ Hôm ngày 9/8, giá thịt rọi/nạc vai ngon giảm 10.000 đồng/kg so với trước, hiện bán với giá là 130.000 đồng/kg; giá sườn non 160.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.

Tại chợ ngõ Lò Lợn, phố Bạch Mai, giá thịt thăn là 110.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; nạc vai là 110.000 đồng/kg, sườn thăn được bán với giá 120.000 đồng/kg, đều giảm 10.000 đồng/kg so với trước. 

Chú thích ảnh

Giá thịt ba rọi, sườn non giảm 10.000 đồng/kg so với trước.

Chú thích ảnh

Mặt hàng giò, xôi, bánh chưng được người dân mua thắp hương nhiều, giá cả không tăng.

Ở các chợ khu vực Kim Liên, Hoàng Mai, Nguyễn Công Trứ, giá thịt gà ta lông là 150.000 đồng/kg; giá thịt bò 250.000 - 280.000 đồng/kg; giá tôm tươi 270.000 đồng/kg (25 con/kg); giá thịt lợn được bán với giá từ 110.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại. So với những ngày trước, thực phẩm đắt lên một vài giá.

Tương tự tại chợ dân sinh phố Nguyễn Phúc Lai, giá thịt lợn tăng nhẹ từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với trước. Hiện, giá thịt lợn thăn là 150.000 đồng/kg; thịt bò là 300.000 đồng; sườn 150.000 đồng/kg; sườn là 160.000 đồng/kg...

Chú thích ảnh

Nụ cười của người bán hàng hoa quả khi khách mua bưởi về thắp hương nhân dịp rằm tháng 7.

Mặt hàng giò chả, bánh trưng, xôi gấc, xôi đỗ tại nhiều chợ dân sinh sáng 9/8 không biến động. Anh Quang Huy, chủ cơ sở bán giò chả tại chợ Lò Lợn, phố Bạch Mai cho biết: “Mùa lễ Vu Lan này, nhiều gia đình cũng có xu hướng làm lễ phả độ gia tiên tại chùa nên họ cũng làm cơm, mua hoa quả thắp hương gia tiên tại nhà cũng đơn giản hơn. Mấy ngày nay, sức mua bình thường, giá không biến động. Hiện giá giò lụa là 150.000 đồng/kg, giò bò 180.000 đồng/kg, chả 120.000 đồng/kg; bánh chưng có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/chiếc, tùy loại; xôi gấc 20.000 đồng/đĩa”. Còn tại hệ thống giò chả Phúc Lộc, giá giò và chả vẫn ở mức cũ là 200.000 đồng/kg; giò bò 250.000 đồng/kg; bánh dày 10.000 đồng/cặp. 

Chú thích ảnh

Giá xôi, các loại chè vẫn được bán như ngày thường, sức mua chậm.

Với quầy xôi nhỏ trên phố Bạch Mai, chị Thanh Huyền than thở: “Mặc dù rằm tháng 7 là ngày lễ rất quan trọng trong năm, nhưng lượng khách mua từ đầu tuần đến nay vẫn chậm. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng lượng hàng bán giảm. Nếu như trước kia bán được 2 yến xôi một ngày, thì nay giảm còn chưa được một nửa".

Chú thích ảnh

Xôi các màu được bán nhiều tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/đĩa, tùy trọng lượng.

Chú thích ảnh

Giá nhiều loại trái quả giảm từ 5.000 đến 12.000 đồng/kg so với trước.

Trong khi đó theo chị Thanh Huyền, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ đầu năm đến nay như giá gas, dầu ăn, gạo nếp… mà giá bán hàng không dám điều chỉnh vì sợ mất khách. Cụ thể: Nếu như trước kia, giá gạo nếp là 25.000 đồng/kg, thì nay là 27.000 đồng/kg; giá dầu ăn tăng gấp đôi trong vòng 1 năm trở lại đây, hiện là 400.000 đồng/can…

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức ở một số chợ nhỏ, giá nhiều loại rau xanh giảm 10 đến 20% so với trước, riêng cà chua, hành lá vẫn đắt. Tại chợ Hôm sáng 9/8, do nhiều người dân đi chợ từ rất sớm khiến nhiều loại rau củ quả trở nên khan hiếm, các tiểu thương tự ý tăng giá. Theo đó, giá cà chua tăng 5.000 đồng/kg so với trước; súp lơ tăng giá từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/kg. Hiện, giá cà chua 20.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước, còn giá hành vẫn ở mức giá rất cao là 60.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh

Chuối được bán với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/nải, tùy theo kích cỡ và số lượng quả của từng nải.

Trước đó, tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, chợ Láng Hạ, quận Đống Đa, giá rau cải dao động ở mức 5.000 đồng/mớ, rau muống 8.000 nghìn/mớ, rau mồng tơi 7.000 đồng/mớ, rau dền 8.000 đồng/mớ…Theo chị Linh, tiểu thương chợ Quan Hoa, do nguồn cung cấp rau xanh dồi dào hơn, thời tiết tốt nên rau cũng màu mỡ hơn, giá vận chuyển giảm nên giá rau giảm.

Chú thích ảnh

Nhiều người dân đi chợ mua đồ về thắp hương khá sớm.

Cứ mỗi dịp cúng lễ ngày rằm hay mùng 1, hoa và trái quả là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia chung khi bày biện trên ban thờ. Sau thời gian dài giá xăng, dầu tăng đỉnh điểm, giờ giảm nhiều, giá nhiều trái quả cũng giảm hơn. 

Trên phố Bùi Ngọc Dương, giá các trái quả nhìn chung đều giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với trước. Theo đó, giá cam Sài Gòn hiện là 45.000 đồng/kg; lê ta là 40.000 đồng/kg; nhãn lồng Hưng Yên 35.000 đồng/kg; quả dừa uống nước dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/quả, trước từ 22.000 đến 25.000 đồng/quả.

Còn ở chợ Trại Găng, Thanh Nhàn, giá loại cam Sài Gòn nhỏ hiện là 23.000 đồng/kg, trước là 26.000 đồng/kg, loại to hơn 25.000 đồng/kg, giảm 2.000 đến 5.000 đồng/kg so với trước; giá quả na 50.000 đồng/kg. Giá nải chuối được bán dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/nải; cau 15.000 đồng/quả, tăng 5.000 đồng so với ngày thường.

Chú thích ảnh

Giá hoa tăng hơn, đặc biệt là các loại ly kép.

Nhân dịp mùa lễ Vu Lan, ngày rằm tháng 7, giá hoa đẹp tại các chợ có tăng hơn, đặc biệt hoa ly. Nếu như giá hoa cúc vàng thắp hương vẫn ở mức 35.000 đồng/chục thì giá ly vàng loại 5 tai được bán với giá 250.000 đồng/bó 10 bông, tăng 50.000 đồng/bó so với trước; ly đỏ hiện 85.000 đồng/chục, tăng 20.000 đến 25.000 đồng/chục...

Giá hoa được lý giải tăng cao là do nhu cầu của thị trường đang cao khi đang vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch, trong khi đó, thời tiết miền Bắc mưa nắng, khiến hoa tươi mất lứa. Đối với nguồn hoa tươi từ Đà Lạt, nhiều tiểu thương cho biết: Do COVID-19 bùng phát kéo dài nên nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ hoa liên tục, không xuống giống một số loại khiến sản lượng hoa giảm hơn.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới