Gia cầm Việt Nam chinh phục các thị trường xuất khẩu 'khó tính'

18/05/2019 10:53

Phải mất 2 năm đàm phán với Cục Thú y Nhật Bản, Cục An toàn Y tế Nhật Bản, thịt gà chế biến Việt Nam mới có thể xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines... đang là vấn đề đặt ra với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

"Thách thức hấp dẫn"

Giữa tháng 8/2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek (liên doanh giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Long Bình, tỉnh Đồng Nai) xuất khẩu 2 container thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên thịt gia cầm Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Nhật Bản - một thị trường "khó tính" bậc nhất trên thế giới.

 
 
Chú thích ảnh
Các thị trường khó tính đang là thách thức và cũng là cơ hội đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
 

Thành công này mở ra nhiều cơ hội, hướng đi mới cho doanh nghiệp chế biến thịt gia cầm trong nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Công ty Koyu & Unitek đã phải mất 3 năm chuẩn bị. Trong đó có 2 năm công ty này miệt mài cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành ở Việt Nam để đàm phán với Cục thú y Nhật Bản, Cục An toàn Y tế Nhật Bản, cung cấp các kết quả giám sát dịch cúm gia cầm, các vi sinh vật gây hại, chất tồn dư độc hại… theo chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn đến khâu giết mổ để “mở” được con đường mới cho thịt gia cầm Việt Nam.

Nhật Bản là một trong 3 quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu gia cầm với trên 900.000 tấn/năm. Thế nhưng thị trường đầy tiềm năng này nổi tiếng là có những đòi hỏi rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhật Bản không theo chuẩn chung của thế giới mà tự đặt ra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm riêng vô cùng khắt khe. Với gà, trong quá trình nuôi, tuyệt đối không được dùng thuốc phòng ngừa cúm, khu vực nuôi phải được Nhà nước công bố an toàn dịch, nhiều loại kháng sinh không được phép sử dụng, lực lượng thú y phải kiểm tra từng con khi gà được đưa đến nhà máy. Ngoài ra, Nhật Bản cũng quy định, người chăn nuôi không được dùng bất kỳ loại kháng sinh nào trong 10 ngày trước khi đem vào giết mổ.

Để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, Công ty Koyu & Unitek đã xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, quy trình nuôi, thức ăn, đến giết mổ, chế biến. Theo đó, công ty này liên kết với 2 trang trại ở Đồng Nai, cung cấp con giống, thức ăn, giá thu mua, cử chuyên gia trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đổi lại, các trang trại sẽ phải tuân thủ quy trình nuôi gà xuất sang Nhật Bản rất nghiêm ngặt, chỉ được sử dụng vài loại kháng sinh trong từng thời điểm nhất định. Một nhà máy chế biến được xây dựng với khoản kinh phí 6,5 triệu USD cũng được nhanh chóng hoàn tất đáp ứng công suất chế biến 50.000 con gà mỗi ngày.

Những đầu tư có chiều sâu này là cần thiết bởi lẽ, dù đã được phép xuất khẩu, nhưng thịt gà đã qua chế biến của Việt Nam tiếp tục còn phải trải qua quy trình kiểm soát chất lượng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, từng lô hàng khi cập cảng của nước nhập khẩu đều phải được lưu lại ở cảng để cơ quan thú y Nhật Bản tổ chức lấy mẫu kiểm tra các loại mầm bệnh, các chỉ tiêu về tồn dư kháng sinh… đạt yêu cầu thì mới được phép đưa vào tiêu thụ tại thị trường này.

Theo ông Jame Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Koyu & Unitek, so với tiêu thụ trong nước, khi xuất sang Nhật Bản, thịt gà có giá cao hơn khoảng 30%. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD.

Tiếp nối thành công nêu trên, Công ty cổ phần chăn nuôi CP là doanh nghiệp thứ 2 của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này.

Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP cho biết, để đón bắt cơ hội xuất khẩu, hiện công ty đã xây dựng dự án xuất khẩu giai đoạn 1 với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm. CP Việt Nam đang đầu tư xây dựng tổ hợp này tại tỉnh Bình Phước với hệ thống liên hoàn, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi, hệ thống trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, hệ thống trang trại chăn nuôi gà thịt và nhà máy chế biến các sản phẩm từ thịt gà.

Có thể thấy, những thị trường khó tính đòi hỏi cao từ nuôi trồng tới chế biến nhưng lại là đầu ra ổn định và mang lại lợi ích rất cao nếu doanh nghiệp đáp ứng tốt. Đây cũng là thách thức đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt.

Tận dụng tiềm năng của chăn nuôi gia cầm để chiếm lĩnh thị trường

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm với sự tham gia của đại diện 32 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trong ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, có thể nguồn cung chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong một thời điểm nhất định. Đó là chưa kể, nhu cầu của thị trường thế giới về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng ngày càng tăng.

Chú thích ảnh

Liên kết được với nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là cơ sở để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gia cầm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng. Đồng thời cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm như: Koyu & Unitek, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam... Trong đó, các sản phẩm như trứng vịt là một trong những sản phẩm có khả năng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và Nam Á. Thịt và gan xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2018, số lượng đàn gia cầm cả nước đạt 409 triệu con, trong đó có 317 triệu con gà (chiếm 77,5%); 92 triệu con thủy cầm (chiếm 22,5%). Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 77,6%, gà đẻ chiếm 22,4%. Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,1 triệu tấn, trong đó, thịt gà gần 840.000 tấn, chiếm 76,5%, thịt thủy cầm gần 258.000 tấn, chiếm 23,5%. Sản lượng trứng đạt trên 11,6 tỷ quả, trong đó trứng gà chiếm 60%, trứng thủy cầm chiếm 40%.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gien quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới.

Tiềm năng được khẳng định nhưng để có thể xuất khẩu được các sản phẩm gia cầm, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, việc kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng. Ngoài ra, cần tổ chức kiểm soát các vi sinh vật khác, loại bỏ các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm để đảm bảo yêu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là các nước yêu cầu cao như Nhật Bản, Australia, Singapore.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cơ sở để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gia cầm là ngành này đã hình thành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, với công nghệ giống siêu thịt, siêu trứng, cùng với đó lĩnh vực chế biến sâu đã liên kết được với nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Bằng cách tiếp cận và tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại tự do đã và đang được đẩy mạnh sẽ có tác động, Việt Nam có thể gia tăng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines tới Arập Xê út, Nam Phi, UAE....

Đề cập đến các nhóm giải pháp để thúc đẩy sản xuất gia cầm hướng đến xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, thúc đẩy sản xuất gia cầm phải theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm. Với từng quy mô ngành hàng phải định dạng được thị trường tránh cung vượt cầu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Đảm bảo an toàn và hiệu quả là vấn đề phải tính toán cụ thể, yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ các chuỗi giá trị về sản xuất gia cầm. Cần phải đảm bảo lợi ích cho các thành phần tham gia chuỗi chăn nuôi. Trong khâu giống phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, giống phải chất lượng cao, đáp ứng từng phân khúc chăn nuôi. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn về thú y, không để dịch bệnh xảy ra.

Để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới