Để du lịch năm 2019 thực sự “cất cánh”

07/02/2019 07:50

Năm 2018 có thể nói là một năm thành công của du lịch Việt Nam với con số tăng trưởng ấn tượng, ước đạt hơn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 620.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hà Phạm)

Để có được kết quả này, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có rất nhiều nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: Hành lang pháp lý, quy định pháp luật về du lịch đã tương đối đồng bộ. Các động lực tạo đà cho sự phát triển từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển tích cực. Việt Nam ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế, ở vị trí kết nối thuận tiện trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế vinh danh, trao tặng các giải thưởng mang tính toàn cầu. Năm 2018, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á” của World Travel Awards (WTA); TP.HCM lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2018 (Lonely Planet bình chọn)…

Bên cạnh những nguyên nhân cơ bản trên một trong những nguyên nhân quan trọng khác đã tạo đà để cho du lịch cất cánh trong năm qua chính là cuộc cách mạng 4.0. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Ngành Du lịch đang tích cực, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phát huy tối đa những lợi thế do cuộc Cách mạng này mang lại để phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Đặc biệt, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nhấn mạnh đến yêu cầu ưu tiên phát triển Du lịch thông minh. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh được xác định là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó những mục tiêu quan trọng cần hướng tới khi phát triển du lịch thông minh chính là:Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; Chủ động đáp ứng nhu cầu của khách du lịch qua thiết bị di động; Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan; Tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4....

Đáng chú ý là, Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Đề án tập trung vào năm nhóm giải pháp cơ bản:Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch; Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, chính phủ điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Với những giải pháp đã đề ra, hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch.

Bước sang năm 2019, có thể nói là một năm vô cùng quan trọng vì là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam  đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cũng đã đưa ra những giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi chiến lược, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước:

Theo đó, tiếp tục tập trung xúc tiến, quảng bá, duy trì tốc độ tăng trưởng tại các thị trường nguồn khách du lịch có tốc độ tăng trưởng cao và cung cấp số lượng khách du lịch lớn cho du lịch Việt Nam như các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) và các thị trường gần, nội vùng khu vực Đông Nam Á vẫn có khả năng tăng trưởng cao như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...; Đẩy mạnh các hoạt động marketing điện tử trong xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng và hoàn thiện các công cụ xúc tiến du lịch trực tuyến như website, mạng xã hội, ứng dụng quảng bá du lịch trên thiết bị di động...; Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Tiếp tục kiểm soát, duy trì chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh các dịch vụ yếu kém, đặc biệt việc quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn tại những điểm đông khách du lịch...

Hy vọng, năm 2019 này, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục cất cánh, có những con số tăng trưởng thực sự ấn tượng, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới