Đại dịch COVID lần thứ 4: Nguy cơ gia tăng nợ xấu là hiện hữu

19/10/2021 15:29

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cụ thể nhằm bổ sung vốn trong vòng 3 năm để có nguồn lực xử lý rủi ro nợ xấu.

Dai dich COVID lan thu 4: Nguy co gia tang no xau la hien huu hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông xuất khẩu hàng hóa bị đình trệ. Không ít doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động. Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng và làm gia tăng áp lực nợ xấu tại ngân hàng.

Nợ xấu "phi mã"

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng vừa qua, có tới 45.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp còn hoạt động cũng đang đối mặt với không ít khó khăn do đại dịch gây ra, doanh thu, dòng tiền sụt giảm.

Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng và làm gia tăng áp lực nợ xấu tại ngân hàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng thực chất những khoản nợ được cơ cấu lại đó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.

Nhiều ngân hàng cũng đã phải rao bán các khoản nợ như ôtô, nhà xưởng, bất động sản, khách sạn… thậm chí có những khoản nợ được ra bán hàng chục lần, giảm giá đến cả vài trăm triệu đồng cũng không có người mua.

Điển hình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng Archplus lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM.

Số dư của khoản nợ tính đến 15/4 là 498 tỷ đồng; trong đó nợ gốc 257 tỷ đồng và nợ lãi 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn 67 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ. 

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng đang thông báo thanh lý hàng loạt xe ôtô Toyota Vios 2019, Toyota Camry 2015, Mazda CX5 2019, xe khách 16 chỗ: Hyundai Solati 2019, Ford Transit 201...

Bên cạnh đó, trong số những ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân Việt Nam (NCB) có số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2021 hơn 800 tỷ đồng, tăng 31,5%, nâng tỷ trọng từ 1,51% lên 1,94%. Nguyên nhân đến từ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 9 lần lên 434,8 tỷ đồng chiếm tới 61% nợ xấu của ngân hàng này. Ngân hàng Thương mại cổ phần châu Á (ACB) cũng có tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,6% lên 0,8%.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ. Do đó, nợ xấu nền kinh tế phát sinh là điều tất yếu.

Theo Phó Thống đốc, 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu rất vất vả và phải có Nghị quyết 42 để hỗ trợ. Nếu không có dịch, mục tiêu nợ xấu dưới 3% của cả hệ thống ngân hàng sẽ có thể đạt được. Tuy nhiên, do tác động của COVID-19, tốc độ tăng nợ xấu tăng khá nhanh nên mục tiêu trên là khó khả thi.

Ông Tú cho biết thêm, đến nay, nợ xấu nội bảng hiện hữu khoảng 2% và nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu khoảng 8%, cao hơn con số 5,08% cuối năm 2020.

Tăng cường trích lập dự phòng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết lường trước được rủi ro có thể phát sinh, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ) và thực hiện trích lập phần dự phòng rủi ro cụ thể nhằm bổ sung vốn trong vòng 3 năm để có nguồn lực xử lý rủi ro nợ xấu.

Trong văn bản mới nhất gửi tới các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro; khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế hoặc không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang trình Quốc hội đánh giá tổng kết Nghị quyết 42, đề xuất tiếp tục kéo dài hoặc luật hóa nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 được duy trì, giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho tổ chức tín dụng hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của tổ chức tín dụng và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

"Nợ xấu là vấn đề quan trọng với nền kinh tế, liên quan đến hệ số tín nhiệm nền kinh tế, đánh giá năng lực tài chính của ngân hàng. Vì vậy xử lý nợ xấu là vấn đề thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật," ông Tú nhấn mạnh.

Để kịp thời thực hiện hỗ trợ việc mua, bán, cơ cấu nợ cho các tổ chức tín dụng và khách hàng, ngày 15/10 vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Tiến Đông-Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết nhiệm vụ của sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường, và nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.

“Khi có hàng hóa, sàn sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua, bán. Thậm chí, có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ,” ông Đông cho biết thêm./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới