Công nghiệp Hà Nội chưa có bước phát triển đột biến

27/06/2019 14:33

Theo Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp mặc dù đạt mức tăng trưởng 7,72% nhưng mức tăng trưởng giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đó cho thấy, mức tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại.

Các chuyên gia kinh tế phân tích về nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Thủ đô không tăng trưởng như mong muốn là do năng lực sản xuất tăng thêm ngành công nghiệp Hà Nội chưa có bước phát triển đột biến, trong khi đó một số nhà máy lại di dời khỏi Hà Nội hoặc cắt giảm sản lượng như: Công ty TNHH General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho Tập đoàn Vinfast lắp ráp tại Hải Phòng; Yamaha Motor giảm dần sản lượng…

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội mới chỉ thu hút được 64 triệu USD vốn đầu tư, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong thời gian này, trong khi vốn đầu tư giảm sút, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động 6 dự án, 5 dự án giảm vốn đầu tư, đưa tổng số vốn đăng ký giảm 45 triệu USD. 

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định về những khó khăn mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Đó là Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, phải đối diện với sự cạnh tranh lớn như giá, chất lượng dịch vụ; chiến lược, đội hình, độ chuyên nghiệp; số lượng sản phẩm và quy mô…

Bên cạnh đó, Hà Nội dù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng số doanh nghiệp gia nhập thị trường chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Ông Lưu Hải Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù, Chính phủ mong muốn phát triển khoa học công nghệ, tạo ra các đột phá cho doanh nghiệp nhưng ngân hàng không coi bằng sáng chế của doanh nghiệp là tài sản nên không thể thế chấp để vay vốn. Do đó, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ trong việc vay vốn phát triển sản xuất.

Phản ánh về những khó khăn trong quá trình đầu tư mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp như: May 10, Sunhouse… hầu hết các doanh nghiệp đều có chung ý kiến như: trong quá trình mở rộng sản xuất, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất chuyển nhượng, doanh nghiệp lại không được hưởng chính sách ưu đãi từ tiền thuê đất 0,5% phải chịu hệ số 1% hoặc cao hơn, điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn ngành công nghiệp, thương mại Hà Nội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cần đồng bộ hóa cơ chế chính sách, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại… đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phân cấp quản lý cho các sở, ngành, quận, huyện, qua đó đảm bảo hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2018, thành phố Hà Nội lần đầu tiên đứng trong Top 10 bảng xếp hạng PCI. Tập trung nâng cao PCI năm 2019, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển là nhiệm vụ đang được thành phố Hà Nội đặt ra.

Thực tế, để hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tham mưu, trình UBND thành phố Hà Nội ban hàng Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 18/2/2019, công bố danh mục thủ tục hành chính, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố. Thực hiện rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Công thương, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội 2018. Sở còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018 và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019;…

Thực tế, để hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 18/2/2019, công bố danh mục thủ tục hành chính, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, xã.

Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong năm 2018 và 2019…

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới