Có ‘át chủ bài’, Việt Nam sẽ là kho nông sản toàn cầu?

06/06/2018 18:12

"Nếu được đề nghị với Thủ tướng một đề xuất về phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian tới, các vị sẽ nói gì", đây là câu hỏi được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) – chuyên đề nông nghiệp sáng 5/6.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận của diễn đàn.

Do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức, đây là sự kiện mở màn cho 6 diễn đàn chuyên ngành hướng tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12/2018.

Trưởng ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF Trương Gia Bình, cũng là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nêu câu hỏi trọng tâm của diễn đàn là đi tìm "át chủ bài" cho nông nghiệp, Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thế giới.

"Việt Nam liệu sẽ trở thành kho thực phẩm thế giới nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống", ông Bình đặt vấn đề và cho biết Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp sẽ tập trung 2 chủ đề chính là mở cửa cho thị trường và ứng dụng công nghệ cao cho nền nông nghiệp.

"Thực ra Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nông nghiệp, công nghệ chúng ta có thể mua được, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành... Nhưng vấn đề lớn nhất là sản xuất vẫn nhỏ lẻ, không ra tấm ra món", Trưởng ban điều hành ViEF đặt vấn đề.

Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng Việt Nam đã hội tụ đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp.

Trong bức tranh xuất khẩu, có khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của cả nước. "Như vậy, ông nghiệp Việt Nam tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tàu về nông nghiệp", ông nói.

Nông nghiệp Việt Nam 'ít tiêu chuẩn quá'

Chuyên gia nông nghiệp, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, diễn đàn bàn đến vấn đề khó nhất của ngành nông nghiệp, trong đó có thay đổi quy mô thị trường trong nước. 

Nhắc lại phát biểu trước đó của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, khi nói hội nhập mọi người thường để ý đến quốc tế mà hay quên thị trường trong nước, ông Sơn cho rằng, kết cấu nền nông nghiệp thay đổi rõ rệt, chăn nuôi và ngành thủy sản tăng lên, trồng trọt kết cấu thay đổi và toàn ngành cũng thay đổi. Đa dạng hóa sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân.

Trong khi đó, thị trường quốc tế, nhu cầu đang thay đổi ghê gớm, nhất là ở các nước đang phát triển. "7 tỷ người sẽ tăng lên 9 tỷ người, thì lúc đó nhu cầu ngũ cốc, sữa, rau quả thịt đều tăng mạnh. Điều này mở ra điều kiện cho Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có lợi thế nhất", chuyên gia Đặng Kim Sơn nói.

Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. "Nông dân và doanh nghiệp của chúng ta ít tiêu chuẩn quá, nhất là tiêu chuẩn quốc tế", chuyên gia này nói.

Bà dẫn câu chuyện thực tế tại An Giang vốn là một nơi nổi tiếng nề nếp, người nông dân làm ăn lớn. Bà đã hỏi những doanh nghiệp tại đây câu hỏi "Tiêu chuẩn của các anh là gì" thì họ cho biết không có tiêu chuẩn nào cả. "Họ nhấn mạnh, chúng tôi thật thà lắm, chị phải tin tôi chứ. Tôi nói không được, các anh làm quốc tế phải có tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ", bà Hạnh kể. 

Bà Hạnh cũng dẫn ra câu chuyện khác một doanh nghiệp xuất khẩu mắm tôm. Họ làm mọi thứ đều tiến triển ổn định, có chứng nhận đầy đủ. Lý do là doanh nghiệp này chị giám đốc là tiến sĩ về chế biến thực phẩm ở Nga, có kinh nghiệm xây dựng chỉn chu ngay từ đầu.

Vấn đề tiếp theo đặt ra là chế biến nông sản. "Khi chế biến có hai vấn đề, đó là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm", bà nói. 

"Chốt lại, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta chỉ cần lập một nhóm nghiên cứu thị trường làm thiết thực và tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội trợ quốc tế uy tín, hai giải pháp này theo tôi nếu làm được sẽ rất có lợi cho người dân", bà kết luận. 

Nếu được đề xuất 1 kiến nghị

Cũng tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi: "Nếu được đề nghị với Thủ tướng một đề xuất về phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian tới, các vị sẽ nói gì?”.

Trả lời câu hỏi này, , ông Nguyễn Quốc Toản "mạnh dạn" xin gửi hai đề xuất.

Thứ nhất, ở khâu chế biến, ông cho rằng nếu xuất thô thì giá trị gia tăng còn thấp và sẽ thấp nữa. Do đó, đơn vị này đã đề xuất kế hoạch Diễn đàn chế biến quốc tế tại Việt Nam trong cuối năm nay. Theo ông Toản đây là cơ hội cho phép các doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế tham gia sâu hơn vào thị trường chế biến nông sản Việt Nam.

"Riêng rau quả như vải thiều là những sản phẩm chu kỳ ngắn nên cần khâu chế biến sâu", ông nhấn mạnh.

Thứ hai về thị trường, theo vị này căn cốt là chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Một quả chôm chôm mất 9 năm đàm phán mới có thể xuất khẩu đã cho chúng ta thấy các về đề cần tháo gỡ.  Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng thương mại. Hiện chúng ta có hơn 8.000 chợ gồm chợ đầu mối, chợ loại II, siêu thị nhưng hành vi tiêu dùng của người dân là "tiện đâu mua đó".

Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng nếu nói về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất.

Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

"Tôi thấy, gạo hữu cơ sẽ là lĩnh vực cạnh tranh với các thị trường khác ở thế giới như Thái Lan. Gạo vừa là thế mạnh của chúng ta nên chúng ta cần phải cố gắng kiểm soát việc thực hiện xuất khẩu để đẩy mạnh phát triển đưa gạo Việt Nam xuất khẩu ra được các thị trường quốc tế", bà Vũ Kim Hạnh bổ sung.

Lắng nghe các ý kiến, phát biểu trước các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định việc lựa chọn chuyên đề Nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay.

"Có thể nói, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có từ 3.300 đến 3.700 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD... Thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Thế nhưng nếu chúng ta chỉ sản xuất ra mà không chế biến thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước. Điểm yếu tiếp theo của nông nghiệp Việt Nam là về tính liên kết sản phẩm của các làng xã, và địa phương. "Chúng ta cần nhiều thời gian để xử lý vấn đề này", ông nói. 

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là vấn để xử lý nguồn gốc đất. Thực tế, để giải quyết những bất cập trên, Việt Nam phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.

Bộ trưởng cho hay, qua buổi thảo luận, Hội đồng tư vấn và các bộ sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất để trình Thủ tướng cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể cuối năm nay.

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới