Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm

20/11/2018 11:06

Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: M.P)

Đó là thông tin do ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/11.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 02 doanh nghiệp thuộc danh sách theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN).

Ông Tiến cho biết, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.

Thành phố Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.

Trong khi đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 9 tháng năm 2018 có 18 đơn vị).

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (còn 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC).

Cùng với đó, việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; đặc biệt là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hóa từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Về giải pháp trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho biết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt.

Theo đó, về trách nhiệm của Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020.

Trả lời câu hỏi của báo chí về doanh nghiệp nhà nước có xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước hay không, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, hiện kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là bộ phận nằm trong đó.

Theo thống kê các năm 2016, 2017 và 11 tháng của năm nay, doanh nghiệp nhà nước đều có tốc độ tăng trưởng trên nhiều tiêu chí: về vốn, lợi nhuận, nộp ngân sách... Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò quan trọng làm công tác chính sách xã hội, cứu trợ.

Tuy nhiên, về hiệu quả so với cơ sở, năng lực vẫn còn có một khoảng cách nhất định đòi hỏi có sự đổi mới đối với doanh nghiệp nhà nước.

“Đổi mới doanh nghiệp nhiều người nói là mục tiêu là cổ phần hóa thoái vốn nhưng tôi nghĩ là mục tiêu của sắp xếp doanh nghiệp không phải đổi mới thoái vốn mà đây là phương pháp, mục tiêu là để kinh doanh có hiệu quả”, ông Long nhận định.

Ông Long cho biết thêm, ngày 21/11 tới đây  tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ diễn ra Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các Tập đòan kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII và Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó có các giải pháp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh, quyết liệt và hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới DNNN, thực hiện tốt việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Nguồn dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới