Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,37%
31/10/2023 10:01
Theo Cục Thống kê TP.HCM, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,38%, chủ yếu do giá gạo tiếp tục tăng 0,51% khi Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu.
Ngày 30/10, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2023 tăng 0,37%, trong đó có 4/11 nhóm hàng hóa giảm, 7/11 các nhóm tăng so với tháng trước, cao nhất là nhóm giáo dục tăng 7,16%.
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,38%, chủ yếu do giá gạo vẫn tiếp tục tăng 0,51% khi Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu.
Nhóm thực phẩm giảm 0,30%; trong đó thịt gia cầm giảm 0,73%, trứng các loại tăng 0,02%, rau tươi, khô và chế biến giảm 1,11%, thủy sản chế biến tăng 0,14%; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.
Cùng xu hướng giảm có nhóm giao thông (giảm 1,29%), chủ yếu do giá nhiên liệu giảm 3,97%; trong đó giá xăng giảm 4,63%, dầu diesel giảm 0,72%. Trong tháng 10/2023 có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (ngày 2/10/2023, ngày 11/10/2023 và ngày 23/10/2023) làm cho nhóm nhiên liệu giảm 3,97% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm 2022, bình quân 10 tháng năm nay, giá xăng, dầu giảm 13,36%, tác động làm CPI chung giảm 0,46 điểm phần trăm.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước chủ yếu do các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán các mặt hàng điện thoại và phụ kiện.
Ở chiều hướng tăng, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%, trong đó bia các loại tăng 0,09%, nước khoáng và nước có ga tăng 0,89%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%, do nhu cầu tiêu dùng tang, trong đó giá vải các loại tăng 0,11%, giá hàng may mặc khác tăng 0,48%, giày dép tăng 0,38%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,05%, chủ yếu do giá gas và các loại chất đốt tăng 4,24%, trong đó giá gas điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12kg, giá nước sinh hoạt tăng 2,21%, nhà ở thuê tăng 0,02% do nhu cầu phục vụ sinh viên năm học mới vẫn còn. Ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 1,34% do thời tiết nhiều mưa nên nhu cầu sử dụng điện giảm.
Nhóm giáo dục tăng 7,16% so với tháng trước, do việc điều chỉnh giá học phí của một số trường cho năm học mới. Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,27%, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,54%, dịch vụ khác tăng 0,46%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 3,43% so với cùng kỳ năm ngoái (bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,32%), chỉ trừ nhóm giao thông giảm 2,86% và bưu chính viễn thông giảm 1,70%; 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,76%, đồ uống và thuốc lá tăng 3,96%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,47%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,90%, giáo dục tăng 14,54%.
Cũng theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số giá vàng tháng 10 tăng 1,53% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 0,94% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tăng 1,22% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,961% so với cùng kỳ./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Xuất khẩu bưởi Hòa Bình sang thị trường EU
Giá xăng dầu bật tăng, mặt hàng RON95-III lên ngưỡng 20.857 đồng mỗi lít
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn