Cần Thơ đẩy mạnh sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn

23/03/2018 12:05

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, hiện nay, lúa là cây trồng có lợi thế ở địa phương này và được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp.

 

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế cao và giữ sạch môi trường tự nhiên (Ảnh: K.V)

Thời gian qua, mô hình phát triển cánh đồng lớn ở TP.Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, mô hình cánh đồng lớn tiếp tục được triển khai tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai... Huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương thực hiện mô hình cánh đồng lớn tại 10/10 xã, thị trấn, với trên 13.000 hộ tham gia, tổng diện tích thực hiện trên 33.560ha.

Người nông dân tham gia cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 150 đồng/kg trở lên, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất. Đồng thời, trồng lúa theo mô hình này cũng giúp việc sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sản phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn được áp dụng thực hiện các khâu liên kết trong sản xuất, làm đất, bơm tát nước tập thể, xuống giống tập trung đồng loạt giúp nông dân thuận lợi trong khâu cơ giới; doanh nghiệp cung cấp trực tiếp nhiều loại vật tư đầu vào nên nông dân có nhiều điều kiện giảm chi phí sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lúa và tăng thêm lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Cần Thơ cho biết, TP.Cần Thơ tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất lúa là 81.688ha, trong đó đất chuyên trồng lúa, cần được bảo vệ nghiêm ngặt là 76.230ha; mở rộng diện tích lúa liên kết theo cánh đồng lớn đạt bình quân 40.000ha/vụ. Song song đó, ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân, các hợp tác xã trồng lúa; tập huấn, nâng cao ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2018 phấn đấu đạt diện tích 2.000ha, đến năm 2020 đạt 3.000ha, vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao. Thành phố cũng phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao từ 80% năm 2015 lên trên 95% năm 2020.

Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ở 4 huyện là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền. Đồng thời, TP.Cần Thơ cũng nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 3 cấp của thành phố để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.../.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới