Cà Mau: Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 121 triệu USD

21/03/2018 08:31

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của địa phương này đạt trên 121 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu về mức tăng trưởng so với các ngành khác.

Nuôi tôm theo công nghệ trải bạt cho thu nhập cao. (Ảnh: K.V)

Được biết, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, với trên 302.861 ha, chiếm 27,9% cả nước, 39% vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, sản lượng tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất so với các loại thủy sản khác. Sản lượng nuôi hàng năm ở Cà Mau đạt gần 321.000 tấn, con tôm Cà Mau hiện đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, tỉnh này đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu và hướng đến thị trường Ấn Độ.

Ông Phan Thanh Sang, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, hiện những hộ thả giống sớm đã bước vào thu hoạch đợt đầu năm. Tình hình nuôi tôm năm nay cơ bản thuận lợi hơn cùng kỳ năm trước. Độ mặn không quá cao và nắng không quá gay gắt, chính vì vậy, một số hộ thả nuôi thời gian vừa qua đã thu được thành quả tốt. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp tôm nguyên liệu đang bị thiếu hụt nên giá tôm vẫn duy trì ở mức cao.

Theo các hộ nuôi tôm ở Cà Mau, năm nay thời tiết không quá gay gắt như năm trước nên tôm nuôi thuận lợi, mau lớn, chi phí thấp. Với mức giá này, người nuôi tôm xen canh với trồng lúa lãi từ 60 - 70%. Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu hiện tăng bình quân từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, do thị trường xuất khẩu tăng cao, tôm loại 40 con/kg giá từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg, loại 30 con/kg được thương lái thu mua tại vuông với giá từ 220.000 đến 230.000 đồng/kg. Loại tôm lớn từ 10 đến 20 con/kg có giá từ 280.000 đến 300.000 đồng/kg. Mức giá cao này được duy trì từ đầu năm đến nay và dự báo còn kéo dài thêm từ 1 đến 2 tháng nữa, khi vào vụ thu hoạch rộ.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Cà mau, hầu hết các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh này đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến. Đối với những nhà máy lớn, nguồn tôm chỉ đáp ứng khoảng từ 40 - 50% nhu cầu thực tế. Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt trên 9.664 ha; trong đó diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 1.000 ha, năng suất đạt từ 80 - 100 tấn/ha/vụ nuôi, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới