An Giang: Điểm sáng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

19/09/2020 13:26

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 

Theo dự thảo báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, 5 năm qua, An Giang đã tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu Nghị quyết, 05/15 chỉ tiêu đạt trên 80%. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,07%). Quy mô nền kinh tế tăng khá - năm 2020 đạt 89.362 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực - đến năm 2020, khu vực I chiếm 32,86%, khu vực II chiếm 14,4%, khu vực III chiếm 49,09%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 46,8 triệu đồng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều tăng qua từng năm – đến năm 2019 Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) xếp hạng 11 cả nước, Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) xếp hạng 21, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 21. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 01 năm so chỉ tiêu Nghị quyết. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy bước đầu được tinh gọn, nâng chất, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Kinh tế có những bước chuyển ấn tượng

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành, 5 năm qua, việc thực hiện các khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nông nghiệp có mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên .Đặc biệt, tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp .

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực chất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hoàn thành sớm 1 năm so với chỉ tiêu nghị quyết. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được tập trung đầu tư, diện mạo nông thôn và đời sống người dân khởi sắc hơn.Toàn tỉnh có 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 51,26% tổng số xã, tăng 48 xã so năm 2015); có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và huyện Thoại Sơn).

Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (năm 2020 chiếm 49,09%, cao hơn 5% so năm 2015). Quy mô thị trường nằm trong nhóm đầu khu vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 502 nghìn tỉ đồng (tăng 17,1% so giai đoạn 2010 - 2015). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,181 tỉ USD; hàng hóa đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia. Hạ tầng thương mại, dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị phát triển khá đồng bộ, hiện đại, giao thương hàng hóa nhộn nhịp. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu được đẩy mạnh.

Thế mạnh về du lịch được phát huy. Tập trung triển khai chương trình phát triển hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, từ đó, mời gọi nhiều nhà đầu tư vào Khu Du lịch Núi Sam, Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư... góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Hoạt động kết nối tour tuyến, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa và con người An Giang được chú trọng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,40% trong cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 11,64%). Lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân. Lĩnh vực năng lượng tái tạo được khai thác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Kinh tế có những bước tiến quan trọng đã tạo đà để cho văn hóa- xã hội của tỉnh được đảm bảo. Trong 5 năm qua, An Giang đã đổi mới mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia của An Giang đứng top 10 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long 3 năm liền 2017 - 2019. Chất lượng, trình độ lao động xã hội được nâng lên. Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn được quan tâm triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội .

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần cải thiện đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.  Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Mạng lưới y tế phát triển theo hướng chuyên khoa hóa tuyến tỉnh và y tế phổ cập tuyến cơ sở; dịch vụ y tế phát triển khá. Nâng cao năng lực y tế dự phòng, ngăn chặn nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các chỉ tiêu về sức khỏe cộng đồng ngày càng cải thiện; thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh được tăng cường; nguồn nhân lực y tế phát triển về số lượng và chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ ứng xử, phục vụ Nhân dân tốt hơn .

Nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển, 5 năm qua, An Giang luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; đấu tranh ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc. Đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở; phát triển mạnh các phong trào thể dục, thể thao quần chúng, trong học đường, củng cố, nâng chất thể thao thành tích cao.

Là một trong những tỉnh trọng điểm về quốc phòng - an ninh của Khu vực Tây Nam Bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền An Giang luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về lãnh đạo củng cố quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, xây dựng công trình, khu vực phòng thủ vững chắc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc. Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên. Hoạt động hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng vũ trang chặt chẽ, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Nông nghiệp luôn là một trong những thế mạnh của An Giang (Ảnh: Theo baodautu.vn) 

Công tác quản lý trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, nhất là tội phạm hình sự, tín dụng đen, ma túy, buôn lậu. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự xã hội, an toàn giao thông; an toàn, an ninh thông tin được chú trọng.

Phát huy những lợi thế vốn có, trong thời gian tới, An Giang sẽ tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân...

Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh còn tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới