‘Nóng’ ngày 21/9: Xét xử các thành viên tổ chức Triều đại Việt'; phát hiện 17 ca tái nhiễm COVID-19

22/09/2020 07:03

Ngày 21/9, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ 17 bị cáo là thành viên tổ chức “Triều đại Việt” bị đưa ra xét xử; khởi tố, bắt giam thêm 1 bị can vụ Dương Văn Đường… Đặc biệt, việc phát hiện 17 ca tái lây nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh là một sự kiện đáng lưu ý.

Xét xử sơ thẩm 17 bị cáo là thành viên tổ chức “Triều đại Việt”

Ngày 21/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 17 bị cáo là thành viên của tổ chức “Triều đại Việt” ra xét xử sơ thẩm về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Thành Chung/TTXVN
 

Ngoài tội danh trên, kẻ cầm đầu vụ án là Nguyễn Khanh (sinh năm 1964, thường trú ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) còn bị xét xử về tội “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” theo Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 cùng ba bị cáo khác.

Đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức “Triều đại Việt” thực hiện, sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố để lật đổ chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cầm đầu tổ chức này là Ngô Văn Hoàng Hùng (thường gọi là Ngô Hùng), là kẻ phản động lưu vong ở Canada, từng mang án tử hình (sau giảm xuống chung thân) về tội “âm mưu lật đổ chính quyền” vào năm 1979. Sau khi vượt biên ra nước ngoài, Hùng thành lập tổ chức “Triều đại Việt”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để lôi kéo nhiều người trong nước tham gia tổ chức, trong đó có bị cáo Nguyễn Khanh.

Đối tượng Nguyễn Khanh được Hùng hứa hẹn phong giữ chức “Chuẩn tướng, Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai”. Để Khanh hoạt động, Hùng chuyển cho Khanh tổng cộng 144 triệu đồng và 600 đô la Canada (CAD). Sau khi nhận tiền, Khanh mua 5 kg thuốc nổ và 20 kíp nổ của Nguyễn Trung Trực (sinh năm 1982, thường trú xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) và lấy 7 kg thuốc nổ, 25 kíp nổ đã tự mua trước đó đưa hết cho Dương Bá Giang (sinh năm 1971, thường trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để chế tạo 10 trái nổ, kích nổ bằng điều khiển từ xa. Sau đó, Khanh chỉ đạo Giang đưa hai trái nổ cho Vũ Hoàng Nam (sinh năm 1996, thường trú Phường 14, quận Tân Bình) cùng Dương Khắc Minh (sinh năm 1993, thường trú xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và hướng dẫn cách kích nổ.

Ngày 20/6/2018, Nam và Minh mang theo hai trái nổ, một giấu trong ba lô màu đen, một để trong hộp đựng quà sinh nhật tới trụ sở Công an Phường 12, quận Tân Bình vào lúc 14 giờ. Minh ở ngoài xe chờ còn Nam trực tiếp vào trụ sở Công an phường, gặp cán bộ tiếp dân giả vờ làm thủ tục hành chính. Sau đó, Nam vờ ra ngoài xe lấy hộ khẩu, để balo có chứa trái nổ lại ghế ngồi chờ tiếp dân. Trái nổ đựng trong hộp quà sinh nhật, Nam đặt ở khu vực để xe phía ngoài cửa trụ sở Công an phường. Sau đó, Nam dùng điều khiển từ xa kích nổ trái nổ thứ nhất ở trong ba lô rồi chạy ra ngoài lấy điều khiển mà Minh đang cầm kích nổ trái nổ thứ hai ở trong hộp quà sinh nhật. Sau đó, hai đối tượng lên xe tẩu thoát tới điểm hẹn ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai gặp Nguyễn Khanh để báo cáo vụ việc.

Ngoài vụ việc trên, Nguyễn Khanh còn giao một trái nổ cho Nguyễn Xuân Phương để gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng không thành do Phương sợ nên đã ném bỏ xuống khu vực cầu Suối Linh. Ngày 23/6/2018, Nguyễn Khanh giao ba trái nổ cho Nguyễn Minh Tấn, “Tư lệnh quân khu 4” do Ngô Hùng phong, nói là Hùng giao nhiệm vụ cho Tấn gây nổ ở trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang. Vào 2 giờ ngày 5/7/2018, Tấn trực tiếp cùng Phạm Trần Phong Vũ dùng trái nổ gây nổ tại trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang. Vũ trực tiếp đặt trái nổ ở ghế nhựa nằm trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh, Tấn ở ngoài cảnh giới và quay phim. Nguyễn Minh Tấn giao cho Hứa Hoàng Anh một trái nổ với nhiệm vụ gây nổ ở trụ sở Công an tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên do sợ, Hứa Hoàng Anh đã đặt trái nổ gây nổ ở trụ điện gần nhà thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội được pháp luật bảo hộ.

Khởi tố thêm 1 bị can trong vụ án Nguyễn Xuân Đường

Chú thích ảnh
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích", ngày 25/8/2020. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN
 

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Quách Việt Cường, sinh năm 1974, trú tại số nhà 35, tổ 10, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Khoản 3, Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quách Việt Cường là Giám đốc Công ty cổ phần BBI Thái Bình, trụ sở tại 459, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Đối tượng này được biết đến là người thực hiện các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tang lễ ở thành phố Thái Bình từ lâu.

Bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích", ngày 25/8/2020. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Thêm 5 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh

Tính đến 18 giờ ngày 21/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN
 

Như vậy, ngày 21/9, Việt Nam giữ nguyên tổng số 1.068 ca mắc COVID-19, trong đó 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 24.626 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 385 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.294 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 8.947 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 21/9 có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN892 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là: BN790, BN864; BN1022 tại Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Hải Dương; và BN1050 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 15 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 19 ca.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong do COVID-19, số ca điều trị khỏi là 947 ca.

Phát hiện 17 trường hợp dương tính COVID-19 trở lại tại TP Hồ Chí Minh

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh còn một trường hợp bệnh nhân nhập cảnh trái phép tái dương tính đang được điều trị. 
 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 21/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 17 trường hợp dương tính COVID-19 trở lại sau xuất viện và đã có 16/17 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, được xuất viện.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 77 ca mắc COVID-19 được phát hiện và 1 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu (BN278). Tất cả các bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã 54 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh sau cùng, TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Hiện thành phố còn 24 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị các phương án, quy trình tổ chức cho những người nhập cảnh từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia). Theo đó, những người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngay tại sân bay, cách ly tập trung 6 ngày tại khách sạn, lấy mẫu xét nghiệm ngày thứ 6 (muốn đi đâu phải có xe đi riêng), sau đó cách ly 8 ngày tại nơi cư trú, hạn chế đi lại và lấy mẫu xét nghiệm tiếp vào ngày 14.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: "Cần đặc biệt lưu ý các trường hợp nhập cảnh. Những người nhập cảnh phải có giấy xác nhận âm tính COVID-19 của nước sở tại, sau đó phải tiếp tục được cách ly theo yêu cầu của y tế Việt Nam. Những người nhập cảnh ngắn ngày được khuyến cáo không tham gia các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn".

Ngày 21/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết, bệnh nhân số 972 (trú tại địa chỉ 170 Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương có liên quan đến ổ dịch 36 Ngô Quyền) sau khi được điều trị khỏi và ra viện vào ngày 1/9, đã tái dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chiều 7/3. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN
 

Bộ Y tế vừa có công văn số 4995/BYT-DP gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam.

Đối tượng áp dụng là người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày, bao gồm: người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam (gọi chung là người nhập cảnh) từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Theo hướng dẫn, trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam; chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với SARS- CoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP...) của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3-5 ngày.

Khi nhập cảnh, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; thực hiện việc đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, áp dụng các biện pháp xử trí theo quy định; thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát; hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.

Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả xét nghiệm không rõ, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung. Trường hợp không thực hiện xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký đảm bảo các quy định an toàn khi vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT.

Tại cơ sở cách ly tập trung, các cơ quan chức năng cần lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP). Đối với trường hợp không được xét nghiệm tại cửa khẩu hoặc kết quả xét nghiệm không rõ thì lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến cơ sở cách ly tập trung. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19. Các đối tượng tiếp xúc gần tiếp tục được cách ly 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, người nhập cảnh được phép di chuyển về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Việc đi lại từ cơ sở cách ly về nơi lưu trú phải bằng phương tiện riêng theo quy định của Bộ Y tế.

Tại nơi lưu trú, người nhập cảnh thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát y tế, cách ly, phòng chống dịch, tránh tiếp xúc với cộng đồng và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh theo. Hàng ngày, nếu có người tiếp xúc với người nhập cảnh thì lập danh sách lưu lại họ tên, số điện thoại của người tiếp xúc đến thời điểm hết ngày thứ 14. Cơ quan y tế địa phương thực hiện giám sát y tế theo quy định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP...) vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới