Xử lý dứt điểm những tranh chấp về địa giới hành chính giữa các địa phương

03/03/2021 15:02

Khẩn tập trung xử lý dứt điểm những tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính tại các địa phương.

Chú thích ảnh
Hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế). thuathienhue.gov.vn
 

Ngày 2/3, tại cuộc họp trực tuyến về Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính (Dự án 513), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm những tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính tại các địa phương; đồng thời xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống mốc địa giới hành chính các cấp trên thực địa, xác định tính chính xác, đầy đủ, phù hợp và thống nhất của hệ thống mốc và hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm cho biết, từ năm 2012-2014, thực hiện Dự án 513, đơn vị đã bàn giao bản đồ nền địa hình hệ tọa độ quốc gia VN-2000 vẽ đường biên giới quốc gia, đường địa giới hành chính, mốc địa giới, điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính cho 55 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn thành biên tập bộ bản đồ nền tỷ lệ 1:50.000, 1:250.000 phủ trùm vùng biển Việt Nam từ bờ biển ra đến đường cơ sở Lãnh hải phục vụ triển khai thực hiện phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo Việt Nam.

Từ năm 2014-2019, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đã khảo sát thực tế các khu vực chồng lấn địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại, biên tập, in bản đồ phương án xác định địa giới hành chính cấp tỉnh tại các khu vực chưa xác định địa giới hành chính; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án xác định địa giới hành chính trình Chính phủ xem xét, quyết định đối với các khu vực tồn tại do lịch sử để lại. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 7 Nghị quyết xác định địa giới hành chính cấp tỉnh liên quan đến 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ Nội vụ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh có liên quan hoàn thành việc xác định địa giới hành chính, cắm mốc, đo tọa độ, độ cao mốc địa giới hành chính, ký pháp lý và bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa tại các khu vực nêu trên theo Nghị quyết của Chính phủ cho 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Quyết định số 513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đã cơ bản hoàn thành phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Từ năm 2017 đến tháng 12/2020, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đã hoàn thành kiểm tra nghiệm thu kỹ thuật hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp đã được hoàn thiện, hiện đại hóa theo Dự án 513 của 46 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp được 14 tỉnh;...

Trong thời gian tới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khu vực chồng lấn địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại tại khu vực Nam núi Hải Vân và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) sau khi có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền để chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa và xác định địa giới hành chính cấp tỉnh tại khu vực mới phát sinh.

Đối với việc xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý  sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết 8 cặp tỉnh chưa thống nhất ranh giới quản lý hành chính trên biển để Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 129 đơn vị hành chính cấp huyện và 610 đơn vị hành chính cấp xã có biển.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý cũng sẽ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính cho 49 tỉnh, thành phố sau khi được Bộ Nội vụ thẩm định công nhận chất lượng các sản phẩm Dự án của địa phương và tổ chức tập huấn, cung cấp sản phẩm cơ sở dữ liệu và chuyển giao quy trình công nghệ cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính đến các bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý và sử dụng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, việc xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 129 đơn vị hành chính cấp huyện và 610 đơn vị hành chính cấp xã có biển cần được sớm hoàn thành làm căn cứ để công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển Việt Nam, các cụm đảo lớn và tập bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và đường ranh giới cách đường mép nước thấp nhất trung bình nhiều năm 3 hải lý vùng biển Việt Nam góp phần quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo thời gian tới.

Đồng tình với kế hoạch triển khai Dự án 513 trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý bám sát kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện các nội dung công việc của dự án, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, sản phẩm được hoàn thành với khối lượng theo đúng quy định. Đối với các dự án tại các địa phương, Cục cần khẩn trương đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các hạng mục công việc; tập trung xử lý dứt điểm những tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính; đồng thời xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống mốc địa giới hành chính các cấp trên thực địa, xác định tính chính xác, đầy đủ, phù hợp và thống nhất của hệ thống mốc và hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới