Xây dựng văn hóa công sở phải là thực chất từ mỗi cán bộ, người lao động

24/05/2019 18:44

Phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở đã được chính thức phát động trên toàn quốc đúng vào dịp cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019).

Đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ Bác Hồ - một tấm gương suốt đời vì nước, vì dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà còn giúp những người đang phục vụ nhân dân trong các công sở thực hành tốt điều Người mong muốn.

 
Chú thích ảnh
Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Long An. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Công sở thân thiện với người dân

Sinh thời, Bác Hồ luôn trọng dân và gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân  bởi mục tiêu, lý tưởng mà Người theo đuổi suốt cuộc đời là vì dân.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị biến phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột. Trong đó, trụ cột thứ 3 là hình thành hình ảnh tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo, vì người dân phục vụ.

Văn hóa công sở chính là văn hóa ứng xử nơi công sở, góp phần phản ánh đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xây dựng văn hóa công sở cũng là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức với đầy đủ phẩm chất cách mạng, làm nền tảng cho việc xây dựng một phong cách làm việc của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhưng ở một số nơi vẫn có một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, gây bức xúc trong nhân dân…

Để thực hành tốt văn hóa công sở với tinh thần sâu sát với công việc, lắng nghe tâm tư và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, trọng dân, gần dân hơn, nhiều địa phương thực hiện mô hình "Chính quyền, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Và mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng như mục tiêu mà Thủ tướng đề ra.

UBND thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình "Chính quyền, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” này từ tháng 7/2017 thông qua việc sắp xếp, bố trí lịch làm việc khoa  học. Cán bộ có phong cách, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, gần gũi, thân thiện với nhân dân; giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, rút ngắn thời gian thực hiện.

UBND thị trấn Kiến Giang còn thực hiện gửi thư xin lỗi người dân khi giải quyết không đúng hẹn, không giải quyết kịp thời công việc hành chính và thư cảm ơn về sự đóng góp ý kiến đến các tổ chức, cá nhân. Hành động, cách ứng xử văn minh, dân chủ và thân thiện này không chỉ khiến người dân hài lòng, tin tưởng vào chính quyền mà còn tạo sự gắn kết, gần gũi giữa chính quyền và nhân dân.

Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” cũng được UBND phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương triển khai từ 3 năm qua. Mô hình này đến nay làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của cán bộ, công chức về phong cách phục vụ nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng được chuẩn mực trong văn hóa ứng xử cho cán bộ “một cửa”... Người dân nơi đây đánh giá cao ở mô hình này là phong cách phục vụ giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ đã thay đổi đáng kể, cán bộ luôn niềm nở tiếp dân, người dân nào không hiểu quy trình đều được tận tình hướng dẫn…

Xây dựng văn hóa công sở thực chất là xây dựng con người lao động mới - văn minh, chuyên nghiệp - yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở. Thực hiện văn hoá công sở cũng là góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng nề nếp làm việc khoa học, có kỉ cương và dân chủ. Đây là điều đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức và xác định đúng đắn vai trò và trách nhiệm của bản thân. Nếu bản thân từng cán bộ không đổi mới tạo dựng phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn có ý thức hoàn thành nhiệm vụ được giao thì dù có xây dựng mô hình hay đến mấy cũng không thể thành công.

Thanh lịch, văn minh nơi công sở

Chú thích ảnh
Người dân được phục vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Xây dựng công sở văn minh là một hướng đi đúng nhưng khi thực hiện cần đi vào thực chất chứ không nên chỉ dừng lại ở hình thức, chạy theo thành tích hoặc làm cho có. Mọi quy chế sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu không làm thực chất… Do đó, mỗi việc làm, phong cách của người đứng đầu mỗi công sở đóng vai trò quan trọng, như người lái tầu tiên phong dẫn dắt cả đoàn tầu theo sau.

Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã thực hiện xây dựng môi trường thân thiện tích cực một vài năm qua và đã tạo được sự hài lòng cho người bệnh cũng như bất cứ ai đến bệnh viện. Ban Giám đốc  bệnh viện nêu cao quan điểm: Muốn rèn cho cán bộ nhân viên có kỹ năng sống tốt với người bệnh và các mối quan hệ xã hội, bản thân lãnh đạo phải có kỹ năng sống tốt. Lời ăn tiếng nói phải thể hiện tính chân thật, cởi mở, luôn biết kiềm chế sự nóng nảy, đó cũng là yếu tố quan trọng trong hình thành nhân cách sống có văn hóa.

Trong xây dựng văn hóa công sở, qua nhiều năm kiên trì, Ban Giám đốc bệnh viện đã rèn luyện, tạo cho cả tập thể nét đẹp văn hóa với những bộ y phục lịch sự, thái độ niềm nở, cử chỉ quan tâm, chào đón, tận tình hướng dẫn và dặn dò bệnh nhân. Cao hơn nữa là có nghĩa cử giúp đỡ bệnh nhân nghèo, sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch... Nhờ đó mà Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngày càng chiếm được nhiều cảm tình, niềm tin yêu của nhân dân khi đến đây khám chữa bệnh.

Nhiều cơ quan, công sở đã khuyến khích cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiều quy tắc để xây dựng công sở văn minh, thanh lịch. Trong đó, người cán bộ công chức, viên chức, người lao động cần ăn mặc phải gọn gàng, phù hợp. Có nơi đưa ra quy định mặc đồng phục vào một số ngày trong tuần, những ngày; không mặc đồng phuc thì trang phục cũng cần trang nhã, không quá lòe loẹt. Ở Bộ Thông tin và Truyền thông còn có quy định rất rõ ràng về trang phục dự họp cho nam và nữ.

Tiếp theo, người lao động cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp bàn làm việc, phòng làm việc, giữ vệ sinh công sở sạch như giữ vệ sinh ở chính nhà mình. Quan trọng hơn là trong giờ làm việc công chức, viên chức không lạm dụng máy tính cơ quan vào những trò tiêu khiển, gây ảnh hưởng đến năng suất công việc, tạo thói quen xấu cho bản thân. Đặc biệt, điện thoại nên để ở chế độ rung hoặc im lặng, tránh gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người khác; thực hành đúng văn hóa bắt tay tại công sở. Nhiều cơ quan cũng khuyến cáo nên xưng hô theo chức danh đối với người có chức vụ, xưng hô bằng tên đối với người cùng trang lứa, đối với người lớn tuổi nên dùng đại từ nhân xưng, không nên xưng hô theo kiểu gia đình…

Trong thời kì hội nhập sâu rộng toàn cầu như hiện nay, việc học tập các mô hình văn hóa công sở các nước bạn, áp dụng phù hợp với thực tiễn công sở ở Việt Nam là điều cần làm. Theo nhiều chuyên gia, văn hóa văn phòng Nhật Bản là ví dụ điển hình nên học hỏi, trân trọng. Bởi người Nhật vốn được biết đến với sự nghiêm túc thậm chí là nghiêm khắc trong công việc, đúng giờ nhưng cũng vẫn thoải mái,  không thiếu đi nụ cười thân thiện. Hiện đại và lịch sự nhưng không hề mất đi nét truyền thống trong văn hóa ứng xử,  công sở Nhật Bản đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng không pha trộn với bất kì nền văn hóa nào dù ở phương Đông hay phương Tây. Việt Nam có thể học từ người Nhật việc phát huy tinh thần đồng đội bởi ngày nay làm việc theo nhóm là một hình thức phổ biến và quan trọng. 

Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Cách hành xử văn hóa chốn công sở góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết nhất trí của cả tập thể, từ đó tạo bầu không khí làm việc cởi mở, tích cực, giúp cán bộ nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới