Tiếp tục xây dựng, nghiên cứu, sửa đổi nhiều dự án luật trong lĩnh vực xã hội

20/01/2021 13:02

Ngày 19/1, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ bế mạc phiên họp toàn thể lần thứ 19 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
 

Tại phiên họp, nhiều nhiệm vụ, vấn đề Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt về công tác lập pháp đã được nêu ra. Cụ thể, Ủy ban sẽ quán triệt định hướng và tập trung vào các vấn đề: Người có công với cách mạng, chính sách tiền lương của người lao động, an sinh xã hội, chính sách đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, phòng, chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, HIV/AIDS)… Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng tiếp một số dự án luật: Luật tiền lương tối thiểu, Luật Tố tụng lao động, Luật Dân số…
 
Ủy ban cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số luật: Luật Bình đẳng giới, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội…
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, thời gian tới, các đại biểu cần tiếp tục quan tâm, thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng về các dự án luật thuộc lĩnh vực: Lao động việc làm; người có công, bảo trợ xã hội; y tế, dân số; giới, gia đình, thi đua khen thưởng; phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, các đại biểu tiếp tục có cơ chế thúc đẩy tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đại biểu phát huy vai trò của từng thành viên Ủy ban, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương trong hoạt động giám sát, khảo sát và cung cấp thông tin thực tiễn, khách quan góp phần hoàn thiện báo cáo, nội dung chuyên môn thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe và thảo luận dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trong suốt nhiệm kỳ qua. Theo dự thảo báo cáo, Ủy ban đã thảo luận, thông qua 8 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lí Bảo hiểm xã hội các giai đoạn 2016 - 2018, 2019 - 2021 và 2 đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ...
 
Nhiều chính sách pháp luật quan trọng đã được thông qua từ kết quả hoạt động của Ủy ban như: Sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)...
 
Nổi bật là chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động việc làm được cải thiện đáng kể, có nhiều điểm đổi mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đáng lưu ý là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thể chế hóa các yêu cầu tại nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới