Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung

19/01/2018 07:35

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á –Thái Bình Dương (APPF - 26), sáng 18/1, tại Hà Nội, Phiên họp nữ nghị sĩ đã chính thức khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức APPF-26 Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì phiên họp.

Về phía đại biểu quốc tế tham dự có nguyên Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới IPU Saber H. Chowdhury; Tổng thư ký IPU Martin Chungong; đại diện các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam, đại diện nghị sĩ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Toản cảnh Phiên họp nữ nghị sĩ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến, được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các mục tiêu phát triển bền vững 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị nữ Nghị sĩ là “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung” với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ - một cơ chế chưa chính thức -  trở thành cơ chế thường kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF. Việc thảo luận càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của Diễn đàn thường niên APPF lần thứ 26 đó là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững”, đồng thời phát huy kết quả của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC- 2017 với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” mới được tổ chức thành công tại Việt Nam năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. Cũng như Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực, song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ hy vọng, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ đóng góp tích cực vào các nghị quyết, Tuyên bố chung của Diễn đàn, bảo đảm các văn kiện được thông qua đều được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được sự quan tâm và tiếng nói của nữ nghị sĩ; đồng thời, những vấn đề được bàn thảo sẽ tiếp tục được các nghị viện thành viên đề cập và lan tỏa tại các diễn đàn liên nghị viện khác nhau như Liên minh nghị viện thế giới IPU.

Phát biểu đề dẫn Phiên họp, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ song khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức như: Ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật; khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách với quy định của pháp luật. Bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là một vấn nạn thậm chí ở cả những nước đã có tiến bộ đáng ghi nhận trong những lĩnh vực khác.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Phiên họp. 

Bên cạnh đó, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, trong đó, người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng thêm bất bình đẳng giới bởi phụ nữ tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức. Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động, giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong việc cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Cùng với đó, sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, lao động nữ làm công việc giản đơn, có tiền lương thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế công nghệ. Như vậy, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hoà bình, thịnh vượng và bền vững.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả và phù hợp vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng, đó là: Thực hiện vai trò đại diện, trước hết là quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về quản lý, bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia; các nữ nghị sĩ tham gia vào các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và trên mọi lĩnh vực; tham gia quyết định ngân sách, đảm bảo ngân sách có nhạy cảm giới; giám sát thực hiện các luật có liên quan, các chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sĩ là “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung” đã thể hiện quyết tâm biến lời nói thành hành động, vì bình đẳng giới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe các bài phát biểu đến từ đại diện các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, những thành tựu đạt được, thách thức gặp phải trên con đường phát triển, giải pháp đặt ra để giải quyết thách thức đó trong khuôn khổ các Nghị viện quốc gia và trong diễn đàn đa phương liên Nghị viện.

Các đại biểu chia sẻ, đề xuất các giải pháp khuyến khích các nữ nghị sĩ APPF tham gia sâu hơn vào các quá trình ra quyết định, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới trong quốc gia, trong khu vực, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Kết luận Phiên họp nữ nghị sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau hơn 2,5 tiếng Hội nghị nữ nghị sỹ APPF-26 – Phiên hoạt động đầu tiên của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 26 đã diễn ra sôi nổi, hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra với sự tham gia của gần 100 nữ nghị sỹ và nhiều đại biểu nam đến từ nghị viện của 23 nước thành viên và các khách mời quốc tế.

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung”, Hội nghị đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nhằm khuyến khích các nữ nghị sỹ APPF cùng hành động để thúc đẩy sự phát triển bình đẳng giới. Với 17 bài phát biểu tham luận sôi nổi đến từ các nghị viện thành viên, Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với phát triển bền vững và thịnh vượng, sự cần thiết của thúc đẩy bình đẳng giới ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của chương trình nghị sự của Liên hợp quốc 2030 về phát triển bền vững, vừa là giải pháp để thực hiện các mục tiêu khác, góp phần vào sự thịnh vượng chung.

Các đại biểu cũng chia sẻ thực tiễn bình đẳng giới, các thành công, các khó khăn, thách thức mà phụ nữ phải đối mặt, kinh nghiệm giải quyết, hy vọng rằng mỗi đại biểu có thể tìm thấy có rất nhiều điểm chung ở các quốc gia và những kinh nghiệm hay để nghiên cứu, học hỏi, những vấn đề các nghị viện cần có tiếng nói chung, quyết tâm chung và phối hợp hành động vì các mục tiêu chung. Khẳng định vai trò của Nghị viện, các nghị sĩ, đặc biệt là nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, vì sự thịnh vượng chung của mỗi quốc gia và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với mục tiêu đưa nghị sỹ nữ trở thành cơ chế chính thức của Diễn đàn APPF, Hội nghị đã nhất trí với việc bổ sung cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF trong Quy chế hoạt động mới của APPF; các nghị viện thành viên sẽ cử đại diện tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình hoàn thiện văn bản tại Ủy ban soạn thảo để Quy chế này được thông qua tại Phiên họp thứ 4 của Diễn đàn APPF-26.

Nhấn mạnh, đây là phiên họp thứ ba của nữ nghị sỹ APPF, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cho biết, phiên họp này không chỉ tiếp nối, kế thừa các thành công của 2 phiên họp trước, mà còn là một phiên họp rất có ý nghĩa và đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của APPF khi chúng ta thể hiện sự đồng thuận cao về việc chính thức hóa phiên họp nữ nghị sĩ tại mỗi Kỳ họp thường niên của APPF bằng việc bổ sung Quy chế APPF và tin tưởng đó là diễn đàn chung đáp ứng kỳ vọng của nữ nghị sĩ trong khu vực và cơ chế hữu hiệu trao đổi, thảo luận và góp phần giải quyết những vấn đề các nghị sĩ trong khu vực quan tâm./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới