Thị trường tiềm năng Halal

19/11/2024 11:45

Với thị trường tiêu thụ khoảng 2 tỷ dân, quy mô nền kinh tế Halal dự báo đạt tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường các nước Hồi giáo (thị trường Halal) mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến và nhiều ngành hàng khác.

Ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường, trong đó có thị trường Halal

 

Có lợi thế về vị trí địa lý, khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại Châu Á. Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, thành viên chủ yếu là các nước Châu Á) nên doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường này. Mặt khác, An Giang cũng là địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào, như: Gạo, thủy sản, rau, củ, quả, nhiều tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.

Để tham gia vào thị trường này, cần phải có chứng nhận Halal, với nhiều quy định ràng buộc mà DN phải tuân thủ. Chứng nhận Halal là một nhóm tiêu chuẩn Halal (được phép), Haram (không được phép, cấm), dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của người Hồi giáo theo kinh Qur’an, Luật Sharia (Luật Hồi giáo). Trước đây, chứng nhận Halal áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm - những loại thực phẩm mà theo kinh Qur’an, người Hồi giáo được và không được ăn. Ngày nay, chứng nhận Halal mở rộng ra tất cả lĩnh vực, như: Thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ. Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn chứng nhận Halal, nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này.

Hiện nay, có 3 chương trình chứng nhận Halal, thời gian hiệu lực khác nhau từ 1 - 3 năm áp dụng; tùy chương trình, từng loại sản phẩm và thị trường khác nhau, tiêu chuẩn chất lượng cũng khác nhau. Trong đó, chứng nhận Halal JAKIM có thời hạn 1 năm; các loại sản phẩm được đăng ký là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, bao bì... Phạm vi xuất khẩu là tất cả các nước, ngoại trừ Indonesia và Khối GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh, gồm các nước: UAE, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Yemen); tiêu chuẩn áp dụng là Malaysia Standards: MS1500:2019...

Chứng nhận Halal MUI có thời hạn 1 năm; loại sản phẩm đăng ký là nguyên liệu, bán thành phẩm và hương liệu; phạm vi xuất khẩu tương tự chứng nhận Halal JAKIM; tiêu chuẩn áp dụng là HAS 2300:1. Chứng nhận Halal GCC có thời hạn 3 năm; loại sản phẩm đăng ký là thực phẩm; phạm vi xuất khẩu chỉ có giá trị tại GCC; tiêu chuẩn áp dụng là GSO 2055-1:2015.

 

Doanh nghiệp An Giang có nhiều tiềm năng trong việc xuất khẩu sang thị trường Halal

 

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal, được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam nằm trong "tốp 20" nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, với 17 hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…

Hiện nay, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn, khi tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng, cấp chứng nhận theo từng quốc gia hoặc khu vực. Vì thế, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường đích khi lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, DN An Giang hoàn toàn có khả năng đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường Halal. UBND tỉnh, sở, ngành tích cực quan tâm, đồng hành cùng DN trong hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm hàng hóa của tỉnh để tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường các nước Hồi giáo. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm của tỉnh.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới