Thành lập đặc khu: Giữ cho được tính cạnh tranh, vượt trội

17/04/2018 13:42

Đây là một trong những nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đối với 3 đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, sáng 16/4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Lo lắng khi luật chưa ra, đất tăng giá

Dẫn ý kiến một nhà đầu tư Hàn Quốc được truyền thông đưa tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, chúng ta cần môi trường đầu tư ưu đãi hơn là chính sách ưu đãi. “Môi trường đầu tư còn liên quan đến trách nhiệm, phong cách của người làm ở đặc khu để giải quyết cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt cho đặc khu"", Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần sớm khẩn trương hoàn thành 3 đề án để triển khai thi hành Luật này khi được thông qua như liên quan đến quy định về tổ chức Đảng, HĐND và UBND, các cơ quan tư pháp, Mặt trận và đoàn thể, công an, biên phòng, các thiết chế văn hoá, trường học, bệnh viện, phát thanh-truyền hình, cán bộ như hải quan, thuế… “Trong tháng 5 này, các đề án này cần có trên bàn của đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, so sánh thì mới thảo luận, xem xét thông qua được”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng lưu ý.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch bày tỏ lo lắng nhất của mình là tình trạng mua bán đất đai diễn ra tất bật ở Phú Quốc và giá đất tăng cao ở 3 đặc khu này. “Tình hình giá đất tăng quá cao ở 3 khu vực này dù Luật chưa được thông qua là điều đáng lo ngại, không cẩn thận là mất cán bộ đấy”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng khuyến cáo.

Giải trình thêm về những lo lắng, băn khoăn của Thường vụ Quốc hội, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đây là đạo luật mới, khó, phức tạp nên việc soạn thảo rất kỳ công, nghiên cứu bài bản, học tập trong và ngoài nước…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “hồn cốt” của Luật này là “bảo đảm nguyên tắc, tạo ra thể chế vượt trội, làm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, có hỗ trợ kinh tế một phần để kích thích các nhà đầu tư. Không trái với Hiến pháp, bảo đảm quốc phòng an ninh, môi trường”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vẫn hết sức băn khoăn, việc xây dựng thể chế như vậy nhưng quốc tế và nhà đầu tư chấp nhận, hưởng ứng đến đâu? Đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được nhà đầu tư chiến lược, quyết định đến sự thành bại của đặc khu. Bộ máy có bảo đảm được sự hoạt động hiệu quả trong bối cảnh của đặc khu hay không?

“Chính sách ưu đãi không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng môi trường có bảo đảm tính cạnh tranh hay không, định hướng phát triển và cam kết của Nhà nước đối với các nhà đầu tư thế nào? Dự thảo Luật đã thiết kế 25/85 điều quy định vấn đề này”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Trên cơ sở đó, Cơ quan soạn thảo đề nghị, chỉ tập trung vào ngành nghề ưu tiên, không ưu đãi tràn lan, bảo đảm tính chặt chẽ, không thu hẹp các ưu đãi cho đặc khu nữa vì sẽ mất tính vượt trội và cạnh tranh của đặc khu.

Do đó, việc lựa chọn ngành nghề của đặc khu cũng phải bảo đảm tính cạnh tranh, vượt trội. Vừa qua, tỉnh Kiên Giang đề nghị đưa nông nghiệp công nghệ cao vào Phú Quốc thì không nên.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, tư tưởng cơ bản của luật này thiết kế cơ chế vượt trội so với pháp luật hiện hành và chỉ áp dụng ở 3 đặc khu mà thôi. Theo đó, đây là 3 đặc khu của quốc gia đặt tại 3 tỉnh. Do vậy, quốc gia cũng có trách nhiệm cân đối chung về ưu đãi, đầu tư, có tiêu chí bảo đảm tính cạnh tranh và vượt trội cho các đặc khu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Về ngành nghề ưu tiên với đặc khu Vân Đồn bổ sung thêm logistics như việc xây dựng sân bay Vân Đồn, ưu tiên công nghệ cao trên cơ sở sản xuất các sản phẩm lợi thế như sản phẩm sinh học, năng lượng tái tạo… Theo đó, năm 2017, hàng hoá thông qua cảng biển của Quảng Ninh đã đạt hơn 86 triệu tấn.

Về hỗ trợ ngân sách Trung ương, ông Long khẳng định “đặc khu là đơn vị thuộc cấp tỉnh, cấp ngân sách là cấp huyện. Lúc đầu còn khó khăn thì cần ngân sách Trung ương hỗ trợ 10% để chi trả giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng” và đề nghị phân cấp thêm thẩm quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu để chủ động trong công tác quản lý, điều hành đặc khu.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà băn khoăn: Chúng ta đang bàn chính sách ưu đãi của các đặc khu trong tâm thế người quản lý Nhà nước. Vậy chúng ta cần xem xét, “cân đong đo đếm” xem nhà đầu tư nghĩ gì về chính sách ưu đãi của chúng ta để họ tham gia đầu tư vào đặc khu?

Ông Hải cho biết, đối với đặc khu Bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hoà thì “lõi” của đặc khu này là xây dựng cảng biển để lan toả ngành nghề khác như logistic, ngân hàng…

Cho “cơ chế nhưng không cho tiền”

Đề cập đến nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: Về ngân sách đầu tư, như số tiền đề cập là cần trên 1 triệu tỷ đồng, thì phải khẳng định rằng phần lớn là thu hút đầu tư chứ không phải là ngân sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến kiến nghị: Luật cần ghi là Nhà nước có chính sách đặc biệt đối với 3 đặc khu, phải khác với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhấn mạnh là loại bỏ bớt các thủ tục, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tạo môi trường đầu tư thông thoáng so với các nước trong khu vực, giảm bớt danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện trên địa bàn đặc khu.

Về cơ chế ưu đãi cho đặc khu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ ủng hộ trên tinh thần “cho cơ chế mà không cho tiền”, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần vì còn phải lo nhiều việc khác liên quan như cân đối nguồn thu, đầu tư trung dài hạn… tránh tình trạng quyết tâm làm nhưng sau này khó thanh toán các công trình.

Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi cần theo thời kỳ, không nên quá dài dù chúng ta muốn khẳng định sự ổn định trong chính sách của Việt Nam.

Đối với quản lý hàng miễn thuế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định như dự thảo có thể nhằm mục tiêu thu hút khách du lịch nhưng cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn như hàng miễn thuế ở Lao Bảo trước đây có hiện tượng người dân Sài Gòn lên mua hàng, hàng trong nước "chạy" lên Lao Bảo để bán. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn với quy định về hàng miễn thuế.

Nguồn: baochinhphu.vn

Viết bình luận mới