Tết ấm rẻo cao

06/02/2024 15:08

Khi những bông đào, bông mận bật tung khoe sắc trên những cung đường quanh co rẻo cao Tây Bắc cũng là lúc Tết đến, Xuân về.

Chú thích ảnh

Người dân trang hoàng cờ, hoa cho ngôi nhà mới chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Trong căn nhà mới còn thơm mùi gỗ, anh Lý A Nỏ chia sẻ: "Mình vui lắm, Tết có ngôi nhà hạnh phúc rồi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước giúp đỡ. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên trực tiếp thế này, phấn khởi lắm".

Như bao gia đình đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây luôn chọn nơi núi cao để dựng nhà, nhà anh Lý A Nỏ ở lưng chừng núi của bản Huổi Mí (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, Điện Biên), đi qua con dốc cao dựng đứng, đến đi bộ người không còn khó, chưa nói đến mang vác đồ vật và càng không thể đi bằng xe máy. Đây cũng là ngôi nhà ở vị trí cao nhất quả núi này. Bên cạnh căn nhà mới là căn nhà gỗ xập xệ, rộng chừng 30m2, từng là nơi ăn, chốn ở của 10 con người.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho hay, đây là căn nhà gỗ rất tốt, những cây cột bằng gỗ thồ lộ rất chắc chắn. Năm nay, gia đình anh Lý A Nỏ sẽ được đón Tết trong căn nhà gỗ rộng, đẹp và khang trang ấy. Tổng giá trị của căn nhà là 145 triệu đồng, trong đó, vốn từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 50 triệu đồng, số còn lại là do gia đình anh Nỏ đối ứng.

Gia đình A Nỏ là một trong 48 hộ của xã Ma Thì Hồ được hỗ trợ Nhà đại đoàn kết theo tiêu chuẩn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn. Qua "phiên dịch" của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn, chúng tôi được biết, ở tuổi 36 tuổi, anh Lý A Nỏ đã có tới 7 con. Đàn con lít nhít, cuộc sống gia đình chỉ trông vào ruộng nương nên cái nghèo mãi đeo bám. Để có tiền đối ứng làm được căn nhà như mong muốn này, anh phải tích cóp gỗ trong nhiều năm, vay mượn thêm người thân và có sự hỗ trợ ngày công từ các tổ chức của xã và dân bản. 

Cũng như gia đình anh Lý A Nỏ, dịp Tết này, gia đình anh Giàng A Lồng (bản Chế Nhù, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) được đón Tết Giáp Thìn trong ngôi nhà mới. Bên căn nhà gỗ vừa được Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo tỉnh gắn biển tên Nhà Đại đoàn kết nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chị Mùa Thị Si hồ hởi chia sẻ: "Có nhà mới rất là vui, được ở nhà rộng đẹp hơn rồi, ấm hơn nữa; cảm ơn Nhà nước cho nhà mới, tốt quá rồi".

Chú thích ảnh

Gia đình anh Tòng Văn Bánh, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, gói bánh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán trong ngôi nhà mới. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương 50 triệu đồng, cộng với 60 triệu đồng dành dụm tích cóp, gia đình anh Lồng, chị Si đã có được ngôi nhà khang trang. Nói tiếng Kinh khá sõi, chị Si cho biết, ngôi nhà cũ "nó xấu hơn, mưa gió vào nhà quá. Mưa gió vào nhà, các thứ bay hết, Nhà nước mới xét cho".

Sinh năm 1985, chị Si sinh con đầu lòng lúc mới 15 tuổi. Đến nay, chị đã có 5 con, đứa lớn đang đi làm thuê ở Hà Nội, còn lại đều ở nhà sống bằng làm ruộng, nương. Nhà chị nuôi trâu, bò làm giống, mỗi năm thu được khoảng chục triệu đồng, nhưng cũng chỉ tàm tạm vơi bớt cái nghèo. "Nhà mình nghèo mà, không đủ sống đâu", chị Si nói.

"Có biết nói tiếng Kinh không?". "Chi pâu" (không biết), lắc đầu là những điều chúng tôi nhận được khi tiếp xúc với nhiều người dân ở vùng sâu Si Pa Phìn, Ma Thì Hồ. Hầu hết các cuộc nói chuyện đều phải qua "phiên dịch" từ cán bộ xã, Bộ đội Biên phòng.

Bà Hồ Xá Mệ, 58 tuổi, dân tộc Xạ Phang cho biết, chồng bà đã mất hơn chục năm. Được Nhà nước cho một con bò, bà ở nhà "trông con bò, làm một tí ruộng ăn thôi". Nằm trong danh sách các hộ dân được nhận quà Tết, bà bộc bạch "Nhà nước hỗ trợ cho thì vui. Cảm ơn cán bộ, cảm ơn Nhà nước cho dân. Không có cán bộ, dân khổ lắm". 

Qua lời dịch của một cán bộ xã, chúng tôi được biết, bà Ly Guồng Mể (53 tuổi, dân tộc Xạ Phang) có hai con gái đã đi lấy chồng. Chồng mất, bà Mể ở một mình, không có trâu bò mà chỉ làm ruộng nương để kiếm sống. Được nhận quà Tết từ tay Phó Thủ tướng, bà Mể chân thật, "Nhà nước cho thế nào thì lấy thế, vui mà, bà muốn được nhận nhiều quà thế".

Những túi quà có đủ bánh kẹo, nhu yếu phẩm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đến công nhân, người lao động ở xã Si Pa Phìn trong dịp này. Nuôi 3 con nhỏ, đứa lớn mới học lớp 5, đứa thứ hai 7 tuổi nhưng bị khuyết tật, đứa thứ ba 3 tuổi, chị Khoàng Thị Loan, 29 tuổi, dân tộc Thái ở bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn cho biết, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một mình chồng chị đi làm bảo vệ, nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. Do bé khuyết tật chỉ nằm một chỗ, chị không đi đâu làm được, chỉ ngồi nhà ôm con.

Được nhận quà Tết, chị Loan chia sẻ, "Rất vui vì Nhà nước quan tâm đến công nhân lao động. Cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đến dân. Mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa để đời sống người dân thay đổi".

Có mặt tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang (xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) đón Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Đoàn công tác Chính phủ về thăm, chúc Tết, tặng quà, đồng bào dân tộc ai nấy đều vui rạng rỡ. Vui vì lâu lâu mới có đoàn Trung ương về thăm, vì được tặng quà Tết. Nhưng lớn hơn cả, đó là niềm vui khi được đón nhận sự quan tâm, những tình cảm ấm áp, sẻ chia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nói một cách giản dị như chia sẻ của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái "trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, những phần quà tuy nhỏ nhưng mang tình cảm ấm áp, góp phần động viên tinh thần công nhân, người lao động, người nghèo đón Tết vui tươi, lành mạnh".

Ở mỗi nơi đến thăm, Phó Thủ tướng đều không quên nhắc nhở thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các cán bộ, chiến sỹ; thực hiện các chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho người dân, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chủ động, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Đây là yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những ngày cận Tết, xuyên qua cái rét đậm, rét hại của miền Bắc, nhiều đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm, chúc Tết, động viên và tặng quà các cán bộ, chiến sỹ, gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà giá trị tuy còn nhỏ nhưng cũng làm ấm lòng, vơi đi những khó khăn của các hộ nghèo.

Ông Trang A Lử, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết, thực hiện Đề án làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đến ngày 31/12/2023, huyện đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 679 nhà Đại đoàn kết, hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, nhà gỗ truyền thống là 250 căn, nhà xây 56 căn, nhà khung sắt 373 căn. 375 hộ có khả năng tự làm nhà, 304 hộ không có khả năng tự làm nhà, được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ. Các căn nhà hoàn thiện đều bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện đã dành trên 840 triệu đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho 795 hộ nghèo, cận nghèo, công nhân lao động nghèo, hội viên da cam khó khăn, gia đình có công với cách mạng, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ cứu đói giáp hạt 35.355 kg gạo cho 612 hộ với 2.357 nhân khẩu; tiếp nhận 50 phần quà của Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao tặng cho 50 người có công với cách mạng.

Mường Chà tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, tôn giáo, nhà hảo tâm ủng hộ và tiếp nhận trên 1.200 suất quà trị giá trên 526 triệu đồng trao tặng cho người nghèo, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ tham gia gói bánh chưng cho người nghèo ăn Tết. Ảnh: TTXVN phát
 

Tại huyện Nậm Pồ, Chương trình 10.000 bánh chưng xanh cho hộ nghèo Xuân Giáp Thìn 2024 đã được thực hiện, diễn ra đồng loạt tại 12 điểm. Chương trình được xã hội hóa từ Quỹ "Vì người nghèo" với kinh phí hơn 350 triệu đồng. Những chiếc bánh chưng đã được trao tận tay 5.000 hộ trên địa bàn huyện, góp phần đem lại một cái Tết ấm no cho bà con.

Theo Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa, Chương trình được triển khai nhằm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách và người có công. Gần 1.500 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang đã tự nguyện tham gia. Chương trình thể hiện tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nậm Pồ, hướng tới Tết ấm cho đồng bào.

Với tinh thần không để người dân nào bị đói, không có Tết, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký các quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 địa phương dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024 với 1.444,59 tấn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bộ đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp thăm và tặng 12.600 suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, dành 17,7 tỷ đồng phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi thăm, tặng quà cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương.

Tính đến ngày 30/1, đã có 17 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 13.690 tấn gạo cứu đói cho 136.765 hộ với 849.127 nhân khẩu. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất cấp gạo cứu đói cho 17 tỉnh có đề xuất.

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc tặng quà, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng, các địa phương đã bố trí thêm nguồn lực để tăng định mức ăn cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trong suốt dịp Tết; bồi dưỡng, động viên cho cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.

Đời sống người dân tuy còn nhiều khó khăn sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng nhìn những chuyến xe tải, xe khách cùng nối đuôi nhau ẩn trong màn sương mù Thung Khe, Vân Hồ, Mộc Châu, Pha Đin, hình ảnh người dân hồ hởi mua bán dọc Quốc lộ 6, cho thấy không khí Tết đã về tới bản làng, tới mỗi nhà…

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới