Tăng tốc ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021

11/04/2021 17:06

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Đây cũng sẽ là căn cứ để các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức ôn tập hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Chú thích ảnh
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019, làm bài thi Ngữ Văn tại hội đồng thi THPT Hà Huy Tập, thành phố Vinh (ảnh tư liệu).
 

Không có nhiều xáo trộn

Qua tham khảo và nghiên cứu các đề thi minh họa, đa phần giáo viên, học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều yên tâm bởi đề khá sát với các năm trước. Đồng thời, đề thi có tỉ lệ câu hỏi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình trung học phổ thông đúng với yêu cầu xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Là giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho học sinh lớp 12, cô giáo Bùi Thị Lệ Thu - giáo viên môn Ngữ văn - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 chia sẻ, đề Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc của các năm trước với 2 phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm).

Cô giáo Bùi Thị Lê Thu phân tích, đề thi năm nay đã thực hiện chương trình giảm tải – phù hợp với bối cảnh của nhiều địa phương học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19, do đó đề thi tăng thêm số câu nhận biết ở phần đọc hiểu giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm tuyệt đối. Phần làm văn cũng không thay đổi nhiều, trong đó câu văn nghị luận xã hội lấy dữ liệu ở phần đọc hiểu, giúp thí sinh có thể hệ thống kiến thức một cách liền mạch.

Với đề này, cô giáo Thu khẳng định: “với đề thi này, lấy điểm 5, 6 không khó vì các em đã được ôn tập kỹ càng. Thí sinh muốn 7, 8 cũng chỉ cần chăm chỉ. Tuy nhiên, muốn có điểm 9, 10 thì đòi hỏi học sinh phải có tư duy phản biện và lý luận sắc sảo. Để làm tốt đề này, chúng tôi cũng đã dạy học sinh khá kỹ phần kỹ năng làm bài, trong đó cần phải “khắc” vào các câu lệnh và chỉ rõ cho học sinh biết được từ chìa khóa của các câu lệnh nhằm giúp các em không còn bỡ ngỡ và tự tin sẽ ôn tập”.

Nhiều thí sinh khẳng định, để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không khó vì nếu nắm vững kiến thức cơ bản thí sinh có thể có điểm 6, 7. Tuy nhiên, đề thi này nếu áp dụng để xét vào các trường đại học thì còn những băn khoăn do không có quá nhiều câu phân loại thí sinh và nếu học sinh chỉ cần học khá thì phổ điểm từ 8 - 9 khá nhiều, dẫn đến điểm trúng tuyển sẽ rất cao.

Với môn Toán, Tiến sỹ Lê Xuân Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh - người có kinh nghiệm nhiều năm ra đề thi khá lo ngại bởi đề thi năm nay số lượng câu dễ (mức độ 1 và mức độ 2 nhận biết và thông hiểu) quá nhiều. Cụ thể, trong 50 câu hỏi môn Toán có 28/50 câu thuộc mức nhận biết, học sinh nắm và phân biệt khái niệm là có thể có điểm dễ dàng.

10 câu ở mức 2, thông hiểu, cũng chỉ cần có kiến thức trong sách giáo khoa cũng có thể làm đúng và học sinh có thể dễ dàng có điểm 6, điểm 7. Ngoài ra, đề có 6 vận dụng thấp, dành cho học sinh khá, giỏi nhưng không quá khó để có thể đạt 9 điểm. Đặc biệt, 5 câu dùng để phân loại thí sinh (chiếm 1 điểm) nhưng thực chất cũng chỉ có 2 câu khó ở phần hình học - toạ độ không gian và phần hàm số của giải tích. Điều này dẫn đến học sinh chủ quan và khó phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học.

Trái ngược với môn Toán, ở môn Địa lý so với năm 2020, năm 2021 số lượng câu hỏi sử dụng Atlat địa lý đã tăng lên 1 câu (15 câu). Ngoài ra, có các câu hỏi sử dụng bảng số liệu và biểu đồ. Đề sử dụng tỷ lệ kiến thức của lớp 12 là 95%, 5% còn lại là kỹ năng của lớp 11. Với đề này nếu học sinh chăm và học kỹ trong sách giáo khoa thì đề không khó.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông Cửa Lò 2 nhận định: Đề này, so với năm trước độ phân hóa cũng cao hơn nên để đạt được điểm 9, 10 học sinh phải nỗ lực và phải chăm hơn nữa. Phần kiến thức vận dụng và vận dụng cao học sinh phải nghiên cứu, tham khảo thêm và cập nhật các số liệu mới, còn lại phổ điểm 6 -8 thì học sinh có thể đạt được.

Phân loại đối tượng học sinh để ôn tập

Thời điểm này đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn khoảng 3 tháng, việc ôn thi ở các nhà trường đã bước vào giai đoạn nước rút. Học sinh Lô Thị Hồng Vân, lớp 12C trường Trung học phổ thông Mường Quạ, huyện Con Cuông, năm nay dự định thi khối C vào Trường Đại học An Ninh nên áp lực khá lớn. Do đó, thời điểm này em đang tập trung cao độ cho việc ôn tập: Một tuần ngoài buổi học chính ở trường em còn học thêm các buổi chiều và còn học thêm qua mạng. Mặc dù ôn tập khá kỹ càng nhưng em vẫn khá lo vì Trường Đại học An Ninh là một trong những trường có điểm đầu vào cao nhất.

Năm học 2020 - 2021, Trường Trung học phổ thông Mường Quạ có 400 học sinh lớp 12 và dự kiến khoảng 50% sẽ chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp. Mặc dù áp lực của kỳ thi không quá lớn nhưng nhà trường vẫn tổ chức ôn thi nghiêm túc. Thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Quạ cho biết: Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 và yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng nội dung ôn tập bám sát với cấu trúc của đề thi năm 2020, nội dung ôn tập cũng bám sát vào phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đó là, tập trung chính vào năng lực nhận biết và thông hiểu (hai mức đầu tiên của đề thi) đề phù hợp với khoảng 50% thí sinh thi để lấy kết quả tốt nghiệp. Với những học sinh khá giỏi, sẽ mở rộng ôn tập theo mức độ vận dụng và vận dụng cao để các em có kết quả làm bài tốt. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ căn cứ vào kết quả khảo sát chất lượng kết hợp với thi thử để phân loại học sinh. Trong học kỳ I, học sinh chủ yếu ôn tập ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Hiện tại, sau khi học sinh đăng ký nguyện vọng, trường sẽ phân hóa học sinh để ôn thi theo khối. Để học sinh ôn thi hiệu quả, chúng tôi cũng thường xuyên động viên khuyến khích. Riêng chi bộ nhà trường ra nghị quyết và yêu cầu mỗi đảng viên đăng ký giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh để các em thi tốt nghiệp hiệu quả nhất.

Với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông số 2 do đại đa số học sinh đều thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học nên hiện tại nhà trường đang cố gắng hoản hoàn thành chương trình sách giáo khoa trong tháng 4 và đến đầu tháng 5 sẽ bắt đầu ôn thi cho học sinh theo nguyện vọng đăng ký của học sinh. Thầy giáo Hoàng Sỹ Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông  số 2 nói thêm: Thuận lợi nhất của trường chúng tôi là học sinh ở nội trú nên hiện tại tất cả các buổi chiều trong ngày các em sẽ tập trung ôn thi tại trường. Vào buổi tối, trường cắt cử giáo viên phụ đạo thêm cho học sinh và ưu tiên bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh có năng lực hạn chế. Ngoài ra, trường cũng chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo, trên cơ sở đó có kế hoạch ôn tập phù hợp với chương trình và phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã tập trung đội ngũ giáo viên cốt cán để nghiên cứu, phân tích đề thi tham khảo của Bộ, từ đó xây dựng ma trận đề sử dụng cho việc ôn tập. Cụ thể trong phân tích phải xác định nội dung đề thi như chủ đề, phân bố các chủ đề, dạng câu hỏi bài tập, phân bố mức độ nhận thức từ nhận biết thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trên cơ sở ma trận đề, các nhà trường phân loại học sinh theo các mức học sinh giỏi, khá, trung bình để các trường lựa chọn nội dung ôn tập, mức độ kiến thức, thời lượng phù hợp với từng đối tượng học sinh.

"Để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có cơ hội đánh giá kết quả dạy học và có kế hoạch điều chỉnh hoạt động ôn tập sát với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự kiến giữa tháng 5 tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kỳ thi thử lần 2 cho học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở bám sát đề thi minh họa của Bộ", ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới