Tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi

18/08/2018 18:38

(ĐCSVN) – Ngày 17/8, tại Hà Nội, Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp Đại sứ quán một số nước châu Phi tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, với mục đích tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi.

Đại sứ Angola tại Việt Nam João Manuel Bernardo phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: KL)

Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ tịch Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi Đỗ Đức Định, Đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi tại Hà Nội; đại diện Bộ Ngoại giao và một số doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ hợp tác với các nước châu Phi.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Đại sứ Angola tại Việt Nam João Manuel Bernardo cho biết, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi được thành lập năm 1992. Từ 9 nước ban đầu (Angola, Botswana, Lesotho, Malawi, Mozambique, Swaziland, Tanzania, và Zimbabue), đến nay Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi đã có 15 quốc gia tham gia với dân số ước tính gần 300 triệu người. Tổ chức này được thành lập với mục đích củng cố nguồn lực cho cuộc đấu tranh để giải phóng chính trị toàn bộ khu vực này.

Tuy nhiên, Đại sứ Angola tại Việt Nam João Manuel Bernardo cho rằng, tiềm năng của khu vực miền Nam châu Phi rất lớn, chưa được khai thác hết, đặc biệt với khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chính vì vậy, Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ” do Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - châu Phi phối hợp Đại sứ quán một số nước châu Phi tại Việt Nam tổ chức là cơ hội để các đại biểu đại diện cho các nước trong Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi và các đại biểu đến từ các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy hợp tác.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi Đỗ Đức Định cho biết, với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, những năm qua, Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Phi nói chung và các nước thuộc cộng đồng các nước miền Nam châu Phi nói riêng. Trong nửa cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi như Nam Phi, Mozambique, Angola... Sau khi cuộc đấu tranh của nhân dân các nước SADC thắng lợi, Việt Nam lại tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong Cộng đồng này.

Trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân, việc thành lập Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi vào tháng 11/2004 đã góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, sự giao lưu hiểu biết, giao lưu văn hóa giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi Đỗ Đức Định mong muốn, Đại sứ quán các nước miền Nam châu Phi tăng cường tiếp xúc với Hội, cung cấp thông tin và giới thiệu với các đối tác về hoạt động của Hội, giới thiệu các đối tác tiềm năng để thiết lập quan hệ, đề xuất các sáng kiến hợp tác giữa Việt Nam và các nước cộng đồng miền Nam châu Phi trên các lĩnh vực: Giao lưu nhân dân, kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch... nhằm đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam với Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi.

Theo Phó Chủ tịch Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi Đỗ Đức Định, các doanh nghiệp được bàn tại Hội thảo tuy chỉ gọi là “vừa, nhỏ, siêu nhỏ” nhưng đóng vai trò rất lớn trong tiến trình phát triển của Việt Nam cũng như nhiều nước châu Phi. Thực tế, các doanh nghiệp này chiếm tới trên 95% tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng, góp phần phát triển nền kinh tế, tăng cường xuất nhập khẩu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống của đa số người dân lao động, giúp giảm bớt đáng kể tỷ lệ thất nghiệp cùng nhiều khó khăn khác của nền kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Hội hữu nghị, hợp tác Việt Nam - châu Phi Đỗ Đức Định cam kết, Hội sẽ nỗ lực làm tốt vai trò của mình cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi nói riêng, giữa Việt Nam với các nước châu Phi nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (1992 - 2018), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cho biết, Hội thảo là dịp để các đại biểu gặp gỡ, kết nối, tìm hiểu những cơ hội hợp tác trong tương lai giữa các nước trong Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi nói riêng cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: KL)

Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, Đại sứ Nam Phi Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cho rằng, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình. Các nước SADC có thể học hỏi kinh nghiệm này từ Việt Nam

Thay mặt các Đại sứ quán các nước châu Phi tại Việt Nam, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cam kết sẽ hỗ trợ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam liên lạc với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam nhằm kết nối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của hai bên, thực hiện các dự án khác nhau giữa các quốc gia châu Phi với Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe thông tin về chính sách, thực tiễn phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tìm hiểu các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam dành cho khối doanh nghiệp này, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học trên con đường phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đối với quốc gia của mình./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới