Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp

10/12/2018 13:43

Trong bức tranh đầy màu sắc của hàng triệu sinh viên Việt Nam, có nhiều mảng sáng mang tên sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Những câu chuyện đẹp của họ là nguồn động viên, sức mạnh ý chí để nhiều thế hệ sinh viên phấn đấu rèn luyện, học tập, góp phần dựng xây đất nước.


Lê Thanh Truyền được nhận Bằng khen của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.

Trên bức tường cũ ẩm của gia đình anh Lê Xuân Ân và chị Nguyễn Thị Tình, tại xã Ðông Thịnh, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từng hàng bằng khen, giấy chứng nhận, giải thưởng có tên Lê Thị Thắm treo gọn gàng. Người dân xã Ðông Thịnh đã quá quen với hình ảnh chị Tình đèo cô con gái không có hai tay đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch mỗi buổi sáng trong suốt 12 năm trời. Bẩm sinh, Thắm đã không được lành lặn. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chỉ trông vào một sào ruộng, nhưng vì thương con, cho nên chị Tình đã bỏ hết việc đồng áng để ở nhà chăm sóc Thắm. Ðến tuổi đi học, nhìn các bạn nô nức tựu trường, Thắm hồn nhiên đòi mẹ cho tới lớp. Chị Tình chỉ biết ôm con gái vào lòng, vừa khóc vừa nói: "Con không có tay. Làm sao học được?" Ðó là lần đầu tiên, Thắm tự ý thức được rằng: mình không phải người bình thường...

Thắm sinh ra không bình thường, nhưng sự kiên trì và những nỗ lực của em lại quá phi thường. Gạt đi những giọt nước mắt của cha mẹ, bỏ ngoài tai những lời trêu chọc của một vài người, Thắm quyết tâm tập viết bằng chân. Chân phải cũng có tật, em chuyển sang tập chân trái. Những ngày đầu, chân phồng rộp tóe máu, cô bé lấy giẻ tự bọc chân rồi tập tiếp. Nắng mưa, giá rét đến mấy, Thắm vẫn phải để chân trần viết bài. 12 năm đi học, em còn phải chống chọi với bệnh đau cột sống, u xương bả vai, suy nhược cơ thể... Khó khăn không kể xiết, nhưng suốt 12 năm học phổ thông, em luôn là học sinh giỏi, tiên tiến, giành nhiều phần thưởng như giải xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, giải nhì cuộc thi vẽ tranh của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa...

Năm nay, Thắm đã là sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh (Trường đại học Hồng Ðức, tỉnh Thanh Hóa). 19 tuổi, mà thân hình em chỉ như học sinh THCS với cân nặng chưa đầy 30 kg. Có tháng, em phải đi bệnh viện vài lần. Hằng ngày, em vẫn chống chọi bệnh tật để tiếp tục hoàn thành ước mơ giản dị: trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, để có thể giúp đỡ thật nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như mình. Thắm chia sẻ: "Ðộng lực lớn nhất giúp tôi vượt qua mọi thử thách chính là cha mẹ. Tôi có thể vẽ tranh, thêu thùa, may vá và làm rất nhiều việc, chỉ có điều tôi chưa bao giờ ôm được cha mẹ mình. Thế nhưng, tôi tin cha mẹ biết rằng, tôi luôn ôm họ bằng cả trái tim. Trong tương lai, tôi muốn được đi nước ngoài, học tiếng Anh thật giỏi để dạy thật tốt những học sinh có hoàn cảnh giống tôi".

Lê Thanh Truyền sớm phải gánh chịu vất vả trên đường đời. Truyền và em trai lần lượt chào đời trong nghèo khó. Thiếu thốn, túng quẫn, mẹ Truyền rời bỏ gia đình khi Truyền mới chập chững biết đi, em trai còn phải ẵm ngửa. Cha Truyền gắng gượng nuôi hai con. Lúc Truyền lên lớp 6 thì cha đổ bệnh nặng, phải nằm liệt giường. Kể từ đó, cậu học trò chính thức trở thành trụ cột gia đình. Ngoài giờ đi học, Truyền hết lo cơm nước, thuốc thang chăm sóc cha lại ra đồng gặt lúa, chăn trâu, cắt cỏ, đi khắp nơi làm mướn đủ nghề...

Những tháng ngày vất vả đã hun đúc trong Truyền một ước mơ mãnh liệt: trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cha và cả những người bệnh như cha. Nhiều năm liền, em là học sinh xuất sắc của trường, giành nhiều giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thế nhưng, lúc Truyền đang học lớp 11 thì cha qua đời. "Trước khi đi xa, cha dặn tôi rằng: trong cuộc sống, thầy giáo và bác sĩ là hai nghề luôn được tôn trọng, mang lại những giá trị thực chất cho cộng đồng. Con đừng bao giờ từ bỏ ước mơ mà hãy theo đuổi tới cùng" - chàng sinh viên quê Quảng Ngãi nhớ lại. Một năm sau, Truyền thi đậu vào Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh với số điểm 24,25.

Giờ đây, Truyền đã học năm thứ tư Khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh). Ngoài thời gian lên giảng đường, em vẫn bươn chải đi làm thêm để trang trải học phí và chăm lo em trai cũng đang học đại học. Bên cạnh đó, Truyền còn tích cực tham gia các hoạt động của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào của Hội Sinh viên Việt Nam. Bác sĩ tương lai bộc bạch: "Vì hiểu rõ cảm giác của một sinh viên có gia cảnh khó khăn, nên tôi luôn chủ động giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống mình. Tôi tin rằng, nếu chủ động cho đi những điều tốt đẹp, chắc chắn những điều tốt đẹp sẽ quay trở lại với mình. Trước mắt, tôi sẽ học tập thật tốt để hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ, cũng là hoàn thành lời căn dặn của cha tôi".

Nguồn: nhandan.com.vn

Viết bình luận mới