Sinh viên quốc tế thích thú tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam
23/01/2024 15:57
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại Trường Đại học Nha Trang (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), các sinh viên quốc tế, chủ yếu là sinh viên nước bạn Lào được tham gia các hoạt động trải nghiệm vui Xuân, đón Tết. Từ đây, các sinh viên quốc tế hiểu thêm về văn hóa và phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Có mặt từ rất sớm để tham gia chương trình giao lưu văn hóa tìm hiểu về Tết Việt, Noksomboun Bouavankham, nữ sinh viên năm 4 ngành Nuôi trồng thủy sản, hào hứng cho biết: Năm nay là năm thứ 4 em đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Từ khi sang Việt Nam học tập, ngoài các kiến thức chuyên ngành, cuộc sống Noksomboun trở nên phong phú hơn với những hoạt động tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam. Ở tỉnh Khánh Hòa, Noksomboun được tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu quốc tế các nước khi có dịp.
Những năm trước, vào những ngày Tết Nguyên đán, cũng như mọi người dân Việt Nam, Noksomboun dọn dẹp nhà cửa, mua bánh mứt đón Tết, đi chùa cầu bình an. Năm nay, có kinh nghiệm hơn, cô dự tính sẽ hòa vào dòng người đi ngắm pháo hoa vào đêm Giao thừa, du Xuân cùng bạn bè vào thời khắc ý nghĩa này.
“Học tập tại Trường Đại học Nha Trang, em rất tự hào. Em yêu thích việc nuôi trồng thủy sản. Lào không có biển, nhưng các kiến thức em học được, em hy vọng sẽ có ích cho việc áp dụng vào nuôi nước ngọt trên sông MeKong. Đón Tết tại trường với những tình cảm ấm áp của thầy cô, bạn bè trong lớp và đồng hương, em thấy rất vui, hạnh phúc. Những năm ở Việt Nam, học hỏi thêm nhiều kiến thức, văn hóa, nhất là phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt Nam.
“Những năm trước tham gia chương trình giao lưu văn hóa, em được tự tay làm bánh chưng, trang trí hoa cho ngày Tết, năm nay trải nghiệm làm mâm ngũ quả. Em rất vui”, Noksomboun chia sẻ.
Noksomboun cho biết thêm, với em, Tết Việt đầm ấm, nhiều phong tục với những ý nghĩa rất thú vị và triết lý sống. So với Việt Nam, đất nước Lào có ngày Tết Bunpimay từ ngày 13-15/4 hằng năm, người dân sẽ tham gia lễ hội té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Đây được gọi là Tết cổ truyền của Lào, giống cách gọi của Việt Nam - là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc truyền thống văn hóa dân tộc. Nếu Tết người Việt sẽ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ mới, trang trí cây nêu và đi chơi Tết, Tết của người Lào chủ yếu tập trung vào lễ hội té nước.
Với người Việt Nam, hoa mai, hoa đào nở là biểu tượng của ngày Tết, còn người Lào sẽ hái hoa Dok Champa (hoa sứ) để kết thành vòng cổ, vòng tay trao cho người thân, nhằm trao gửi sự yêu thương may mắn, hạnh phúc; hay lễ Sou khuản (buộc chỉ đỏ vào tay). Vậy nên, với Noksomboun, Tết ở mỗi đất nước đều đặc biệt ý nghĩa.
Khác với Noksomboun, Vongsay Phetmany, sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại lần đầu tiên đến học tập và sẽ đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Phetmany cho hay, không khí những ngày cuối năm theo lịch âm, rất đặc biệt. Các bạn cùng lớp của Phetmany trò chuyện nhiều hơn về chủ đề Tết, về kỳ nghỉ Tết. Điều này, gây ấn tượng mạnh với cô. Trong buổi giao lưu tìm hiểu văn hóa ngày Tết do Nhà trường tổ chức, Phetmany đã tự tay trang trí mâm ngũ quả, lắng nghe và cùng chơi trò chơi, tìm hiểu ý nghĩa của các phong tục, trò chơi ngày Tết của người Việt.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Xử phạt doanh nghiệp đặt quảng cáo sản phẩm tại kênh Youtube có nội dung vi phạm
Quy định mới về quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội
Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah
Thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới
Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký, quản lý cư trú
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế