Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quan tâm đầu tư hơn nữa việc đào tạo nghệ thuật cho các nghệ sỹ

30/09/2020 06:07

Ngày 29/9, Đại hội Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020-2025) đã diễn tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nghệ sỹ múa đến từ các Chi hội Nghệ sỹ Múa trong cả nước.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: TTXVN
 

Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những đóng góp của các nghệ sỹ Việt Nam nói chung, nghệ sỹ múa Việt Nam nói riêng đã góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa nước nhà, để Việt Nam tự hào là dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân các nghệ sỹ lão thành - những tấm gương suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng văn hóa đất nước, đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đang hướng tới một nền văn hóa Việt Nam và xây dựng con người Việt Nam chân, thiện, mỹ. Các nghệ sỹ cần cố gắng hơn nữa trong việc phát triển và đưa nghệ thuật lan tỏa trong đời sống, đây là nhiệm vụ khó khăn, cần có sự tham gia của giới nghệ sỹ nói chung, của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam và đặc biệt là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phó Thủ tướng lưu ý, Hội cần quan tâm đầu tư hơn nữa việc đào tạo nghệ thuật cho các nghệ sỹ, đặc biệt là nghệ sỹ trẻ cũng như đời sống vật chất, tinh thần của các nghệ sỹ; chú trọng sử dụng công nghệ để đưa nghệ thuật đến với công chúng. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đã có những tìm tòi và thử nghiệm trong việc đưa công nghệ vào mô phỏng các động tác múa và đã làm được. Việc sử dụng công nghệ mô phỏng các động tác múa và áp dụng trong đào tạo nghệ thuật múa là vô cùng quan trọng. Tới đây, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ kết hợp với nghệ thuật truyền thống để phát triển và lan tỏa sâu hơn nữa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng trong xã hội... 

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, trong nhiệm kỳ khóa VI (2015 - 2020), Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội sâu rộng, bao quát và nắm được toàn bộ tiến trình phát triển nghệ thuật múa Việt Nam trên cả nước. Hội đã phát huy tốt, linh hoạt, cập nhật kịp thời, thích ứng, chủ động trong các mối quan hệ đa dạng trên tinh thần xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc nói chung và nghệ thuật múa nói riêng trong giao lưu, hội nhập.

Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các trại sáng tác múa chuyên nghiệp và nghệ thuật múa đại chúng cho các hội viên trên cả nước. Hội tổ chức các cuộc thi múa với nhiều nội dung, đề tài khác nhau; xuất bản nhiều sách là các công trình nghiên cứu lý luận về nghệ thuật múa; tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn sâu về lĩnh vực sáng tác, đào tạo, biểu diễn, lý luận phê bình… để kịp thời đánh giá, tổng kết về sự phát triển của nghệ thuật múa. Trong đó phải kể tới các hội thảo như: “Nghệ thuật Múa Cách mạng Việt Nam - hành trình và phát triển” (2015); “Từ Múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp” (2016); “Thế kỉ 21 - Nghệ thuật Múa Việt Nam nhìn lại và hướng tới” (2017); “Nghệ thuật Múa Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp” (2018); “Công tác đào tạo nghệ sỹ biểu diễn thời kỳ hội nhập” (2019)...

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chuyên môn nghệ thuật múa; xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động rõ ràng, cụ thể, bám sát hiện thực đời sống, thực hiện đúng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, chấp hành đúng mọi chủ trương chính sách của Nhà nước, xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến , đậm đà bản sắc dân tộc. Hội chú trọng làm tốt chức năng chuyên môn, tham mưu, tư vấn có hiệu quả thiết thực cho Ban Chấp hành các hoạt động chuyên môn cả 4 lĩnh vực: Nghiên cứu lý luận, sáng tác, đào tạo và biểu diễn.

Đặc biệt, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam sẽ tích cực đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong thẩm định, đánh giá chất lượng nghệ thuật, đặc biệt lĩnh vực sáng tác múa; đổi mới hình thức tổ chức trại sáng tác, nội dung phong phú đa dạng hơn. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác múa bằng các hình thức khác nhau, tổ chức các hội thảo, hội nghị để nhận diện, lý giải các xu hướng sáng tác, nghiên cứu lý luận… về nghệ thuật múa, góp phần định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật múa trong giai đoạn tiếp theo.

Đại hội Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ khóa VII gồm 15 thành viên. Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được bầu là Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới