Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người

28/02/2020 09:03

Ngày 27/2, tại Hà Nội, Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”. Sự kiện là cuộc gặp gỡ của những cán bộ nhiều năm gắn bó với nghề phiên dịch trải suốt hơn 7 thập kỷ, mang theo những câu chuyện thú vị.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 47 ngày 7/4/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đội ngũ phiên dịch của Bộ Ngoại giao - những Nhà Ngoại giao làm phiên dịch ngoại giao - đang hướng tới 75 năm truyền thống với những năm tháng cống hiến, đóng góp đầy tâm huyết cho mặt trận đối ngoại.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia Phạm Bình Đàm chia sẻ, thông qua Tọa đàm, mong muốn bày tỏ lòng tri ân và những tình cảm trân trọng nhất đến tất cả các thế hệ phiên dịch ngoại giao đi trước, những người đã làm nên lịch sử vàng của phiên dịch ngoại giao trong suốt 7 thập kỷ qua.

Theo Giám đốc Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia, Tọa đàm mang ý nghĩa một cuộc đoàn viên, ôn chuyện xưa, kể chuyện nay, vừa nhằm tìm lại những trang còn thiếu, tô lại những trang đã mờ của lịch sử 75 năm phiên dịch ngoại giao, để biên soạn được cuốn kỷ yếu trọn vẹn của đơn vị, gồm đẩy đủ các thứ tiếng với những con người đã gắn bó với nghề phiên dịch qua mỗi thời kỳ.

"Tôi tin tưởng rằng buổi gặp mặt ngày hôm nay sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt, thổi bùng và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề cho thế hệ phiên dịch ngày hôm nay, để họ viết tiếp những trang sử mới, rực rỡ của phiên dịch ngoại giao", ông Phạm Bình Đàm khẳng định.

Đại diện cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”… Đây không chỉ là cuộc tọa đàm để chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm về nghề mà là sự tri ân đối với những cán bộ phiên dịch qua các thế hệ, những con người đặc biệt đã có những đóng góp thầm lặng, nhưng rất quan trọng trong các cuộc tiếp xúc, các cuộc đàm phán, kể cả các cuộc chiêu đãi của những giai đoạn, những hành trình hết sức gian lao, nhưng cũng rất đáng tự hào và có ý nghĩa.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, làm phiên dịch là quãng thời gian mà các cán bộ ngoại giao có thể học hỏi và trưởng thành nhiều nhất… Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ mong muốn Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp của các cán bộ phiên dịch; có các biện pháp căn cơ, dài hơi hơn để phát triển đội ngũ phiên dịch các tiếng ngoại ngữ phổ thông và địa phương của Bộ, cũng như tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác đào tạo, chuẩn hóa nghiệp vụ ngoại ngữ cho các cán bộ ngoại giao…

Chia sẻ về những kỷ niệm với ngành Ngoại giao, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết, trước đây, nhiều người cho rằng công tác phiên dịch là công việc dễ dàng nhưng không phải như vậy mà đây là một công việc khó khăn, vất vả, không hề đơn giản. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo trong Bộ Ngoại giao đều từng trưởng thành từ Phòng Phiên dịch hoặc từng là một phiên dịch viên.

Theo ông Vũ Khoan, nghề phiên dịch là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp, nếu chưa được đào tạo phải tự đào tạo. Nghề phiên dịch mang đến nhiều cơ hội để học hỏi và học được rất nhiều. "Mỗi lần được đi dịch cho những nguyên lãnh đạo của ta như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh... đều là một cơ hội học tập quý báu", ông Khoan khẳng định.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề xuất, Bộ Ngoại giao nên tổ chức thêm các khóa đào tạo về phiên dịch để phiên dịch trở thành một ngành; bồi dưỡng các cán bộ trong ngành những kiến thức về ngoại giao, lịch sử ngoại giao, kinh tế quốc tế… Đề xuất nhiều chính sách cho các cán bộ làm nghề phiên dịch, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không có chính sách tốt, ngành Ngoại giao sẽ không thể có các cán bộ giỏi.

"Thông điệp của tôi đưa ra đối với thế hệ mới của ngành phiên dịch đó là: Chính sách, chính sách và chính sách. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có phiên dịch viên tầm quốc gia nhưng vẫn chưa có những phiên dịch viên tầm quốc tế", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Với gần 40 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao và với 6 năm gắn bó liên tục với nghề phiên dịch (1970-1976), Đại sứ Nguyễn Thị Hồi cho rằng, không phải giỏi ngoại ngữ là có thể làm phiên dịch giỏi. Đó là một nghề khó cần sự tâm huyết, nắm vững vấn đề và năng khiếu. Cũng có những lần dịch “gãy” khi gặp phải những chủ đề nắm không vững, vì vậy, nghiệp vụ dịch vô cùng quan trọng.

Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền cũng là nữ phiên dịch từng gắn bó lâu năm với nghề. Bà kể lại, sự trưởng thành trong nghề phiên dịch đến từ những đêm tận tâm với công việc đọc morat. Công việc tưởng như đơn giản nhưng rất cần sự kiên trì, bền bỉ và tâm huyết. Chính công việc đọc morat đã giúp bà rất nhiều khi làm việc tại các cơ quan khác trong Bộ Ngoại giao, kể cả khi Đại sứ làm việc tại Liên hợp quốc. Theo Đại sứ Huyền, những cán bộ Ngoại giao đã từng kinh qua nghề dịch, khi chuyển sang các đơn vị ngoại giao khác sẽ rất thuận lợi, phát huy được không ít lợi thế.

Chú thích ảnh
Các đại biểu xem trưng bày ảnh về 75 năm Phiên dịch Ngoại giao. Ảnh: TTXVN

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, cơ duyên đưa bà đến với ngành Ngoại giao cũng bắt đầu từ vị trí của một phiên dịch viên. Bà cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, phiên dịch viên phải được đào tạo bài bản để trở thành một nghề, phải chuyên nghiệp và có chính sách cho ngành phiên dịch.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhu cầu về các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp đang đặt ra nhiều thách thức cho Trung tâm Biên - phiên dịch Quốc gia. Chất lượng và hiệu quả của công tác phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao cần được chú trọng. Do đó, nhiệm vụ của Trung tâm trong thời gian tới là phải giúp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao.

Từng là một cán bộ phiên dịch ngoại giao trong 4 năm, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cảm nhận rõ cái duyên của nghề phiên dịch và công tác đa phương. Ông cho rằng, “dù một ngày là phiên dịch, ‘máu’ phiên dịch vẫn sẽ gắn bó với mình suốt cuộc đời”. Kinh nghiệm có được từ nghề dịch đã giúp ông từng bước trưởng thành trong hoạt động đối ngoại suốt gần 20 qua. Gửi gắm thông điệp tới các cán bộ trẻ làm phiên dịch, ông Việt cho rằng được làm nghề dịch chính là một “cơ hội vàng”, các bạn trẻ cần tận dụng tối đa những cơ hội học hỏi từ những tấm gương ưu tú và xuất sắc trong nghề.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới