Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

01/02/2024 17:16

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng tỉnh Nam Định tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024.

Chú thích ảnh

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nam Định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm Nam Phát, thành phố Nam Định. 

Chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Những ngày cận Tết, mỗi ngày, cơ sở chế biến thực phẩm Nam Phát (thành phố Nam Định) nhập về khoảng 1 tấn thịt lợn, bò, gà để sản xuất các loại giò, chả, xúc xích… Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở này nhập nguyên liệu của những đơn vị có đầy đủ giấy phép và kiểm dịch động vật. Ông Trần Văn Vững, chủ cơ sở này cho biết, cùng với việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến của cơ sở cũng đảm bảo đúng nguyên tắc vệ sinh. Khu vực chế biến riêng biệt, vô trùng. Công nhân của cơ sở được tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu và sản phẩm được bảo quản tại các kho riêng biệt.

Ông Vững cho biết thêm, hiện, cơ sở đã nhận khoảng 70 tấn hàng khách đặt cho dịp Tết Nguyên đán. Để đảm bảo đủ số lượng và giao hàng đúng thời gian, cơ sở đã tăng số lượng nhân công và công suất hoạt động.

Xác định cận Tết nhu cầu ăn uống tăng cao, Nhà hàng ẩm thực Đại Lâm (thành phố Nam Định) đã tăng lượng hàng nhập vào đảm bảo phục vụ theo tiêu chí an toàn. Bà Lưu Thị Vân, Quản lý Nhà hàng ẩm thực Đại Lâm cho biết, các nguyên liệu nhà hàng nhập đều do các đơn vị uy tín cung cấp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. 20 nhân viên được tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ đảm bảo khâu phục vụ khách hàng. Đối với các mặt hàng tươi sống, nhà hàng chuẩn bị các tủ lạnh riêng biệt cho từng loại. Khu vực bếp chế biến tuân thủ theo nguyên tắc một chiều; dụng cụ chế biến và phục vụ ăn uống có tủ để riêng, đảm bảo vệ sinh.

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Chú thích ảnh

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nam Định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Nhà hàng Ẩm thực Đại Lâm, thành phố Nam Định. 

Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024, từ tháng 1 - 3/2024, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đoàn tập trung kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tại các cơ sở chế biến, ngành chức năng tiến hành lấy mẫu thực phẩm kiểm tra tại chỗ; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Vũ Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định cho biết, trong tháng 1/2024, các đoàn liên ngành đã thanh, kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến và các đơn vị, nhà hàng, siêu thị trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở đều tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời điểm kiểm tra, các đơn vị đều xuất trình được các hóa đơn, chứng từ, các văn bản được yêu cầu.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, địa phương còn tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội.

Chú thích ảnh

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nam Định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm Nam Phát, thành phố Nam Định. 

Các Trung tâm Y tế tuyến huyện, bệnh viên đa khoa, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có những sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; bảo đảm trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày nghỉ dịp Tết và lễ hội.

Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc, người dân nên tìm mua hàng hóa tại các cơ sở có uy tín, không nên tích trữ nhiều thực phẩm, đồng thời cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đến cơ sở để có hướng xử lý, khắc phục kịp thời, hạn chế thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường.

Địa bàn tỉnh hiện có hơn 430 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản đăng ký kinh doanh; trong đó có trên 100 doanh nghiệp và hơn 300 cơ sở nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Toàn tỉnh có 15 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất từ 4.000 tấn đến 40.000 tấn/năm; 5 nhà máy chế biến rau, quả, sản phẩm nông sản sấy, nước ép đóng lon… và trên 70 cơ sở quy mô nhỏ có đầu tư máy móc thiết bị hiện đại chế biến các sản phẩm từ trồng trọt như: ép dầu lạc, dầu vừng (mè), đậu phụ, miến, bún bánh…

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới