Kỳ vọng khắc phục được tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”

14/04/2018 11:46

(ĐCSVN) – Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kỳ vọng xây dựng Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt sẽ khắc phục được tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”, hiện tượng thường xuyên phải giải cứu thịt lợn, củ cải, su hào…

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp – TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về bản chất

Theo Tờ trình của Chính phủ, ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về bản chất. Từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi cơ bản. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.

Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 800.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4 - 4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã tăng lên trên 9 tỷ quả.

Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, từ chủ yếu là sử dụng thức ăn đơn, phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng, đến nay, cơ bản đã sử dụng thức ăn công nghiệp ăn trực tiếp và Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp rất lớn với sản lượng năm 2016 đạt trên 20 triệu tấn (năm 2005 đạt 5 triệu tấn). Việc xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi cũng diễn ra hết sức sôi động…

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển mạnh ngành chăn nuôi đồng thời cũng phát sinh nhiều hệ lụy như vấn đề dịch bệnh tràn lan (lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh), ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển thiếu quy hoạch; kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng, nhập lậu giống không qua kiểm dịch; thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng… Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu, công nghiệp giết mổ và chế biến chưa phát triển, ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến giá sản phẩm giảm sâu dưới giá thành, không xuất khẩu được, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp. Đồng thời, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để quản lý hiệu quả hơn.

Cũng theo Tờ trình, hơn 10 năm qua, nhất là từ 2006, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế và đã tham gia nhiều Công ước, Hiệp định thương mại Quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước đa dạng sinh học (CBD); các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…). Các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu các giống vật nuôi cao sản, nguyên liệu mới, công nghệ tiên tiến, trao đổi thương mại diễn ra ngày càng sâu, rộng. Môi trường đầu tư, kinh doanh, hệ thống pháp luật, các thủ tục hành chính đang đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ để phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành chăn nuôi.

Trong bối cảnh, thực trạng xã hội nêu trên, việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh các quy định pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, trong đó, ban hành đạo luật quản lý cả ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, quản lý môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững là rất cần thiết và cấp bách.

Tờ trình cũng nêu rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn nuôi đã bộc lộ những hạn chế: Pháp luật chưa bao quát, điều chỉnh hết các hành vi có trong thực tế sản xuất, kinh doanh; Một số quy định không còn phù hợp với các đạo luật mới và với thông lệ quốc tế…

Để khắc phục được những tồn tại và bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật Chăn nuôi là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 65 Điều quy định về quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi, chế biến, xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Cơ quan thẩm tra dự luật là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng việc ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là rất cần thiết.

Cần tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, trong ngày hôm nay (13/4), UBTVQH thảo luận về hai dự luật quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn là dự án Luật Chăn nuôi và dự án Luật Trồng trọt.

Nhắc tới tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”, hiện tượng thường xuyên phải giải cứu thịt lợn, củ cải, su hào… bà Nguyễn Thanh Hải rất kỳ vọng luật khắc phục hiện tượng này. Tuy nhiên, bà bày tỏ băn khoăn khi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp có nêu: “Theo quy định Pháp lệnh giống vật nuôi thì việc quản lý giống vật nuôi theo danh mục cấm hoặc được phép, quy định này chưa phù hợp với Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, quan điểm xây dựng Luật Chăn nuôi lần này là coi giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là sản phẩm hàng hóa và phải quản lý theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua tiêu chuẩn và quy chuẩn. Đồng thời với cơ sở sản xuất giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi cần được quản lý theo hướng đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chưa thể hiện quan điểm này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu rà soát các quy định trong dự thảo luật để quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý”.

Liên quan tới hành nghề chăn nuôi, bà Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Dự luật quy định “Hành nghề chăn nuôi gồm nghề lấy mẫu thức ăn chăn nuôi và thụ tinh nhân tạo. Cá nhân hành nghề chăn nuôi phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Tuy nhiên, quy trình thủ tục cấp chứng chỉ chưa được quy định mà giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề chăn nuôi. Theo đó, bà đề nghị dự luật cần quy định rõ ngay vấn đề này.

Cho ý kiến về vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bà cho rằng hiện nay xu hướng này rất phổ biến, nhiều hiệp hội nông nghiệp nông thôn nông dân đang làm nhưng chưa thấy “hình bóng” nhiều trong dự luật. Khẳng định việc này tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng, bà đề nghị dự luật cần nhấn mạnh hơn và có chính sách hỗ trợ khuyến khích người nông dân tham gia vào các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong khi đó, cũng cho ý kiến về truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng vấn đề này hoàn toàn có thể giao cho cơ sở, cá nhân đảm nhiệm, nhà nước chỉ cần kiểm tra, giám sát.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự luật cần quy định rõ hơn về quản lý giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu, giống vật nuôi lai tạo để vừa giữ gìn nguồn gen quí hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, vừa tiếp cận được nguồn gen nước ngoài, qua đó đảm bảo tự chủ, chủ động nguồn giống vật nuôi phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần rà soát lại các quy định chung liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi, đảm bảo sự phù hợp với các luật liên quan, thông lệ quốc tế nhưng phải tinh gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi là vấn đề lớn nếu không đầu tư, không có quy định tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, không bảo đảm ổn định giá thành, không kiểm soát hết chất lượng...  Do đó, đề nghị dự luật phải chú ý vấn đề này để hạn chế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, bảo đảm ổn định giá thành cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật hiện đang tiếp tục được hoàn chỉnh, do đó đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung của dự thảo luật và pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới