Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 16

12/11/2019 15:12

Ngày 11/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 16 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch điều hành phiên họp chiều 11/11. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại phiên họp, Quốc hội đã tiến hành xem xét, quyết định về các nội dung sau đây:

- Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Sau đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nội dung Nghị quyết này với kết quả cụ thể như sau: i)Về Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết quy định về các chỉ tiêu chủ yếu gồm 12 khoản đã có 427 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,41%); trong đó, có 422 đại biểu tán thành (bằng 87,37%). ii) Quốc hội đã tiến hành biểu quyết về toàn bộ Nghị quyết đã có 430 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,03%); trong đó, có 426 đại biểu tán thành (bằng 88,2%).

- Tiếp đó, Quốc hội đã nghe: i) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; ii) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; iii) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

- Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau: Về sự cần thiết ban hành Luật, cơ bản các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng luật và Điều ước quốc tế; lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng; nguồn vốn thực hiện dự án PPP; bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng; cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; trình tự thực hiện dự án PPP; các loại hợp đồng PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP...

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. 

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong quá trình thảo luận đã có 12 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu nhất trí Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung sau: Về tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; bổ sung các quy định, như: trách nhiệm giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với lực lượng dự bị động viên; quy định khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; định danh rõ thẩm quyền lập kế hoạch; quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân không tham gia quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập; các hành vi cấm (huy động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật trốn tránh, trì hoãn khi đã xếp trong đơn vị dự bị động viên); về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; về chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị được điều động hoặc huy động đối với trường hợp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giao Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên; bổ sung chế tài đối với các cơ quan, tổ chức không tạo điều kiện cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập; quy định nội dung chi cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; quy định trưng mua tài sản; quy định các trường hợp miễn, hoãn tham gia lực lượng dự bị động viên.

Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thứ ba, ngày 12/11/2019, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung này. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung này. 

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật này.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới