Không chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là tuyến biên giới, đường mòn, cửa khẩu

03/06/2020 17:19

Theo Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 2/6, Việt Nam có thêm 5 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Như vậy tính đến hiện tại, Việt Nam đã có tổng số 298 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi; các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hầu hết đều có sức khoẻ ổn định.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày 2/6/2020 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát
 

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã 48 ngày chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch bệnh tích cực, Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép rất cụ thể và đạt kết quả. Gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm giải quyết. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao. Kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã lao động hết mình, hứa hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Một số ngành như công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các kế hoạch trong bối cảnh hậu COVID-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng  lưu ý, không được chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là lực lượng trên tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, các cửa khẩu. Chúng ta còn đối diện các rủi ro, thách thức, còn một số mặt tồn tại, trong đó, rủi ro, thách thức lớn nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu.  

Tất cả các cấp, các ngành cần bám sát Nghị quyết 84 mới được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ  đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tất cả cơ quan của Chính phủ, địa phương cần có chương trình hành động triển khai nghị quyết này, đặc biệt là đầu tư công ở các ngành, các địa phương.

Tiếp nhận vật tư y tế phòng dịch COVID-19

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa tiếp nhận vật tư y tế hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc phòng dịch COVID-19, do Công ty Năng lượng Copper Mountain Energy và Công ty Hwaseung Vina LLC trao tặng. Đánh giá cao sự hỗ trợ của Công ty Năng lượng Copper Mountain Energy và Công ty Hwaseung Vina LLC, ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, đây là nghĩa cửa cao đẹp, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong lúc khó khăn đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới.

Chú thích ảnh
Đại sứ Nguyễn Vũ Tú tặng khẩu trang cho đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN.
 

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những đóng góp, hỗ trợ cho công cuộc phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước, người dân, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện trách nhiệm xã hội, sự đồng hành, chia sẻ của doanh nghiệp trong trận chiến chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của các cơ quan, tập thể, cá nhân trong nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện rõ tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào trong và ngoài nước; qua đó góp phần khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Hoành Năm tiếp nhận 25.000 khẩu trang y tế do Công ty Năng lượng Copper Mountain Energy và Công ty Hwaseung Vina LLC trao tặng. Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, các tập thể và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp, ủng hộ hơn 34 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị vật tư y tế để gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc đã quyên góp hơn 160 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.

Hơn 580 công dân trở về từ ngước ngoài đang cách ly tập trung đều âm tính với virus SARS-CoV-2

Đến sáng 2/6, hơn 580 công dân Việt Nam sống và làm việc tại nước ngoài trở về hiện đang được cách ly tập trung tại Quảng Nam đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Toàn bộ các công dân này hiện đang được cách ly tại 2 khu cách ly tập trung Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (huyện Thăng Bình) và Trung đoàn 773 thuộc Sư đoàn 315 Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.  

Trong số những công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài đang cách ly tại huyện Thăng Bình có 239 thai phụ. Trong thời gian cách ly, ngoài việc được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước, các thai phụ còn được ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cắt cử lực lượng y, bác sĩ quan tâm theo dõi, kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống ngoài ý muốn. Nhờ đó, toàn bộ các thai phụ sức khỏe đều ổn định. Một sản phụ chuyển dạ vào ngày 1/6 đã được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để theo dõi.  

Ngoài ra, để phòng trách dịch bệnh, hiện nay, tất cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập các khu cách ly tập trung để sẵn sàng, kịp thời tiếp nhận, cách ly đối với những người trở về từ nước ngoài đi theo đường mòn lối mở và đường bộ qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

TP Hồ Chí Minh phân công 9 bệnh viện tiếp nhận người bệnh  

Chú thích ảnh
Trao xe cứu thương do Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long tài trợ cho bệnh viện Nhân dân 115, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN
 

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa phân công 9 bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận người bệnh cần chăm sóc trong thời gian cách ly nhằm đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, 9 bệnh viện trên gồm: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện FV, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park. Đây là 9 bệnh viện được phân công tiếp nhận những trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có bệnh nặng, cần chăm sóc y tế ngay.

Bên cạnh đó, 9 bệnh viện này cũng được phân công khám chữa bệnh cho những trường hợp trong thời gian cách ly nhưng có các triệu chứng cấp tính mới xuất hiện hoặc đến ngày tái khám của bệnh mạn tính sẵn có. Các bệnh viện cần rà soát, củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, có khu vực cách ly riêng, có quy trình điều trị cho người nghi nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Trong thời gian điều trị tại khu cách ly của các bệnh viện, nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, các bệnh viện phải báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và hội chẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc bệnh viện được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh COVID-19.

Ngoài phân công nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh cần chăm sóc y tế trong thời gian cách ly cho 9 bệnh viện trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều vấn đề phát sinh trong công tác tiếp nhận và khám, chữa bệnh cho người nước ngoài và người Việt Nam đang chữa bệnh ở nước ngoài muốn quay về các bệnh viện trên địa bàn Thành phố để tiếp tục điều trị.

Do đó, để hoạt động khám, chữa bệnh cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài trở về đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn khi tiếp nhận người bệnh là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài trở về cần khai thác kỹ tiền sử nhập cảnh, trong đó cần làm rõ thời gian nhập cảnh và giấy xác nhận hoàn tất thời gian theo đúng quy định.

Nếu người bệnh đảm bảo các yếu tố trên sẽ thực hiện hoạt động khám chữa bệnh đúng theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp phát hiện người bệnh là người nước ngoài, người nhập cảnh không cách ly đủ 14 ngày thì cho người bệnh và người đi kèm vào khu cách ly tạm thời của bệnh viện, liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để cách ly.

Nếu bệnh viện phát hiện người bệnh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến công tác an ninh không có hộ chiếu hoặc thị thực, các bệnh viện cần chủ động liên lạc với cơ quan Công an địa phương và Sở Y tế để được hỗ trợ.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới