Khơi dậy sự đồng lòng của xã hội chăm lo cho người nghèo

18/10/2018 09:03

(ĐCSVN) – Người nghèo là bộ phận yếu thế trong xã hội, là nỗi day dứt của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Vì thế, nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã có những nỗ lực không mệt mỏi với nhiều chính sách, chương trình nhằm xóa đói giảm nghèo, với nhiều việc làm rất cụ thể hướng về người nghèo được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững trong cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà các hộ nghèo tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: TH)

Đồng bộ các nguồn lực chăm lo người nghèo

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự tích cực hưởng ứng thực hiện của cộng đồng, người dân, công tác giảm nghèo qua các năm đã đạt được những kết quả tích cực. Chính vì thế, Việt Nam là một trong những nước hoàn thành sớm chương trình Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta đã giảm rất nhanh.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017. Có 8 huyện 30a thoát nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm Ba Bể (Bắc Kạn); Tân Sơn  (Phú Thọ); Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu); Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La); Như Xuân (Thanh Hóa), Sơn Hà (Quảng Ngãi); 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 21 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII đề ra.

Đạt được kết quả trên là do Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn dành ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo. Cụ thể, Quốc hội đã đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng, để tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 Dự án: Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án truyền thông, thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, cải thiện đời sống cho người dân ở vùng khó khăn.

Cùng với đó là các chính sách giảm nghèo thường xuyên, như: chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng, pháp lý… được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hoàn thiện, bảo đảm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp được đầy đủ các dịch vụ xã hội, từng bước cải thiện, ổn định cuộc sống. Các chính sách trợ giúp xã hội đột xuất được ban hành, hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro như tiên tai, lũ lụt… sớm ổn định cuộc sống, hạn chế rơi vào tình trạng hộ nghèo hoặc tái nghèo.

Điểm nhấn, thông qua sự vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội cùng quan tâm hướng tới người nghèo. Sau 17 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã thể hiện được sức mạnh, tình yêu thương của những tấm lòng nhân ái ngày càng lan tỏa rộng khắp. Các doanh nghiệp và cá nhân luôn coi đó là trách nhiệm với xã hội. Điều này đã tạo điều kiện cho những người nghèo có cơ hội thoát nghèo được phát triển. Tính riêng trong năm 2017, trong chương trình cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" đã 104  doanh nghiệp, đơn vị cá nhân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội với số tiền gần 280 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2018, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người nghèo và nhắn tin qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 với số tiền trên 41,4 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo", nguồn an sinh xã hội, ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 17.962 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ hơn 114.174 hộ nghèo có điều kiện sản xuất; trợ giúp trên 2 triệu lượt hộ nghèo khám chữa bệnh và 100.695 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Tiếp tục cần sự chung tay góp sức của cả xã hội

Đến nay, mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả giảm nghèo cũng còn có những hạn chế nhất định như tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm, còn nhiều hộ nghèo mới phát sinh… Đáng chú ý, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thực sự được thu hẹp (chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư của cả nước tăng từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016);  tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo cả nước…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Công tác giảm nghèo hướng tới đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng, người dân theo đúng chủ trương của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chương trình trao tặng bò giống cho người nghèo đã giúp được nhiều người nghèo thoát nghèo.
(Ảnh: TH)

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Ngành sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất chính sách tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa bàn, nhóm dân cư nghèo, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện chuyển biến rõ nét về đời sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá ở các cấp kể cả định kỳ và thường xuyên, nhằm bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra…

Đặc biệt, với truyền thống nhân ái yêu thương, đùm bọc sẻ chia luôn là một nét đẹp của tâm hồn và cốt cách người Việt, tháng hành động vì người nghèo sẽ tiếp tục được MTTQ phát động năm nay với thông điệp "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có thể hành động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo". Theo đó, bắt đầu từ năm nay, chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" thay vì được tổ chức vào ngày 31/12 sẽ diễn ra vào ngày 17/10. Đây là Ngày Quốc tế chống đói nghèo và cũng chính là ngày Vì người nghèo Việt Nam.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, chương trình cần tiếp tục được triển khai thành hoạt động thường niên để góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sự lan tỏa và huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Do đó, việc tổ chức chương trình cần đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức. Các hoạt động chăm lo cho người nghèo cần có trọng tâm, trọng điểm.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới