Hiểu sâu sắc về Bác, càng hiểu hơn về dân tộc Việt Nam

26/02/2020 17:04

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất đã được nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa cao đẹp, mang giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là giá trị tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” diễn ra ngày 25/2 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, các đại biểu tham dự đã đánh giá các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thời gian qua và cho rằng hoạt động tôn vinh Người đã giúp các dân tộc, quốc gia trên thế giới hiểu sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng hiểu hơn về dân tộc Việt Nam.  

Giá trị thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đánh giá về những nội dung nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, có một nội dung nổi bật nhất, đó là tư tưởng về văn hóa hòa bình, là nhân văn, nhân ái, là tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Điểm này đã được nhà báo trẻ người Liên Xô Ô. Manđenxtam, khi được diện kiến và trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc chỉ duy nhất một lần vào năm 1923, viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”. Tư tưởng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc “Năm châu bốn biển đều là anh em” có giá trị đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi thế giới còn đầy những bất hòa, căng thẳng, xung đột và nhiều áp lực khác của cuộc sống.

Bác đã khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam: "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai" trong một cuộc phỏng vấn với Nhà báo Hoa Kỳ S.Eeli Maysi vào tháng 9/1947. Năm 1946, Bác cũng đề cập đến chính sách mở cửa hợp tác với bên ngoài thông qua những câu nói của mình: “Hoa - Việt thân thiện”, “Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc khẳng định: “Tư tưởng về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hòa hiếu với các nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị rất lớn lao trong thời đại này. Nếu Việt Nam tập trung tuyên truyền quảng bá điều này thì hình ảnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước Việt Nam sẽ được quốc tế hiểu và ủng hộ mạnh mẽ hơn”.
 
Cùng bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tá Phạm Bá Hậu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp truyền thống văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông, phương Tây với chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận. Tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm về đường lối, chiến lược và sách lược đối với các vấn đề quốc tế và quan hệ quốc tế, các chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, là một bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng Việt Nam.
 
Đại tá Phạm Bá Hậu nhận xét: Tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước, sẵn sàng có quan hệ thân thiện với những nước tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Trước mỗi thời điểm khó khăn của đất nước, Người tỏ rõ thiện chí đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột, tránh chiến tranh. Để tranh thủ hòa bình, có khi phải nhân nhượng nhưng nhân nhượng có nguyên tắc, hòa bình trong độc lập, tự do và thống nhất đất nước; hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.

Tôn vinh Hồ Chủ tịch cũng là tôn vinh dân tộc

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Với giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động tôn vinh Người đã được triển khai ở nước ngoài. Đánh giá các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài những năm vừa qua có nhiều thành công, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, nhờ đó, các dân tộc, quốc gia trên thế giới hiểu sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng hiểu hơn về dân tộc Việt Nam. Giới nghiên cứu và chính khách ở các nước cũng biết rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Do đó, những hoạt động này là rất đáng trân trọng và phải tiếp tục được phát huy hơn nữa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nhận định, có ba vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải được làm thường xuyên, liên tục, có chiều sâu. Đó là, luôn thống nhất giữa danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc với danh hiệu Nhà văn hóa kiệt xuất của Người, không tách rời hai danh hiệu đó.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, bản thân sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác Hồ thường chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn đạo đức rất cao. Ngược lại, chính giá trị văn hóa ấy lại có tác động trở lại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của dân tộc Việt Nam.

Một điểm nữa cần chú ý, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, đó là luôn gắn kết Hồ Chí Minh với dân tộc. Nếu tách rời dân tộc mà chỉ nói riêng Hồ Chí Minh thì chưa đủ vì Hồ Chí Minh chính là hiện thân của dân tộc, lãnh tụ của dân tộc, là kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc.

“Khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Người có những nguồn gốc tạo nên được sự nghiệp vẻ vang. Đó là, Bác kế thừa được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà chúng ta vẫn gọi là văn hiến Việt Nam. Đây là sự kết tinh của bốn chữ: Văn hóa - Trí tuệ - Đạo đức - Cái đẹp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Tôn vinh Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là tôn vinh dân tộc, giới thiệu dân tộc mình với bên ngoài. Bản thân sự gắn kết đó đã được nói rõ trong lời điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định: Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài đã góp phần tiếp tục làm sống động hình ảnh và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tôn vinh hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế. Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động có ý nghĩa và giá trị to lớn này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tích cực đổi mới tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa, tác động của các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời tăng cường quảng bá giá trị các di sản, công trình liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản Hồ Chí Minh của địa phương như: Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh

Theo ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhìn lại 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài cho thấy, tất cả các hoạt động này đều có kết quả tốt kể cả trên phương diện nghiên cứu cũng như tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong 10 năm qua, các đơn vị của Việt Nam trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, thu thập được  nhiều tài liệu, hiện vật quý về Hồ Chí Minh. Cùng với đó, rất nhiều công trình về Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã được Việt Nam và các nước bạn hợp tác xây dựng, gìn giữ, phát huy. Thông qua đó, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới…

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới