Hiến kế cải cách giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

27/05/2020 06:42

Chiều 26/5, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ông Michael Greence, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam chủ trì hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế… cùng đại diện các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch COVID-19 đã và đang tác động nhiều mặt kinh tế - xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.
 

"Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp, người dân cả nước đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca nhiễm trong cộng đồng trong suốt 41 ngày qua. Điều này đã được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao; đồng thời, xác lập trạng thái bình thường mới, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của người dân lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng điện tử hóa phi giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Các bộ, ngành cũng đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền, tới đây, tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ việc chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo bộ ngành địa phương. Dự kiến tháng 6 tới sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hướng tới hoàn thiện, ban hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Cổng dịch vụ công Quốc gia được khai trương đến nay được gần 6 tháng, đã có 408 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện, trong đó 170 dịch vụ công phục vụ người dân, 238 dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp...

Thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ.

Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%, vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh,  47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được...

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới