Giá hàng hóa ‘tăng nhanh, giảm chậm’, chuyên gia hiến kế

05/08/2022 13:04

Câu chuyện giá nhiều mặt hàng thiết yếu neo theo giá xăng và không giảm khi giá xăng đã xuống là câu chuyện không hề mới. Dư luận rất mong chờ các giải pháp của cơ quan quản lý để đời sống của nhân dân bớt khó khăn.

Chú thích ảnh

Dư luận cho rằng: Khi giá xăng tăng cao, giá các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu tăng rất manh. Tuy nhiên khi giá xăng, dầu hạ, giá hàng hóa tại chợ, siêu thị không hạ.

Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Mức giá xăng, dầu hiện đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn ở mức cao như: Giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm…

“Trước tiên, vấn đề cung cầu hàng hoá cần được đảm bảo, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm phí các khâu trung gian thì giá cả hàng hóa mới hạ nhiệt. Ví dụ, một kg thịt lợn trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại từ rất lâu. Ngoài biện pháp hành chính, cần phải huy động Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&VN), Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố vào cuộc để những người buôn bán tự giác, giảm giá một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu nhằm chia sẻ khó khăn chung với xã hội”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đề xuất.

Chú thích ảnh

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu nhìn chung vẫn cao khiến nhiều người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo ngân hàng BIDV cho biết: Cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách. Theo đó, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả.

“Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá, giáo dục, công nghệ thông tin, viễn thông giảm… Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng nhanh mạnh vừa qua, chiếm đến 80%. Trong đó, thứ nhất là nhóm hàng giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản do giá xăng dầu tăng; thứ hai là lương thực thực phẩm tăng 13% tổng mức tăng CPI; thứ ba là nhà ở vật liệu xây dựng… Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này - chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI”, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.

Không thể kỳ vọng hết vào các đợt thanh tra, kiểm tra giám sát, ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần tăng cường ý thức cả doanh nghiệp và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một “căn bệnh” trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay là sự phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. 

Một những điểm nghẽn được ông Cấn Văn Lực đưa ra là chi phí logistics của Việt Nam quá cao khiến giá thành hàng hóa cao. Các cơ quan bộ ngành cần giảm thiểu các chi phí thủ tục hành chính như:  Chi phí giao dịch, kinh doanh, phí thủ tục hành chính. Đặc biệt, không để khâu trung gian ăn chênh lệch quá nhiều, ép giá người nông dân. “Chúng ta cần làm rõ khâu trung gian nào bị đội giá? cần phải công khai minh bạch để biết khâu nào để xử lý. Văn hóa đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng”, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết. 

Chú thích ảnh

Tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, một số mặt hàng được áp dụng khuyến mại để kích cầu do sức mua chậm.

Đề cập về giá xăng giảm lần thứ 4 liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải không giảm, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, (Bộ GTVT) cho biết: “Khi giá tăng, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay là giá thành dịch vụ nói chung. Do vậy, khi có một yếu tố biến động, những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Đối với vận tải, ví dụ như: Vận tải đường bộ, taxi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải kê khai giá với Sở GTVT; điều chỉnh đồng hồ tính tiền; in lại cái tờ niêm yết giá nên có độ trễ”.

Tuy nhiên đại diện Bộ GTVT cũng đồng tình quan điểm của dư luận, nhiên liệu chiếm đến 30 - 40% chi phí cấu thành, giá xăng, dầu nay đã giảm mà các đơn vị vận tải chưa kịp giảm hoặc giảm chậm là không đúng.

Theo Luật Giá, Việt Nam đang quản lý giá dịch vụ vận tải dựa trên quy luật của thị trường. Nhà nước rất tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như kê khai giá hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá, không được tăng giá quá khung. “Với những đơn vị chỉ có tăng mà không có giảm, không phù hợp với tình hình nhiên liệu xăng dầu giảm, Việt Nam sẽ áp dụng các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá”, ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới