Để những quy định giáo dục mới không bị 'chới với'

27/09/2020 07:06

Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đầu năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục ban hành một số điều lệ mới, trong đó có những nội dung như: Không phê bình học sinh trước lớp, toàn trường hay họp phụ huynh ; Không ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo; Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học…

“Dậy sóng” chuyện học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học      

Thông tư 32/2020/TT- BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/11 sẽ thay thế cho Thông tư 08 đã tồn tại 30 năm qua. Điểm mới so với trước đây là Thông tư 32 cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, nếu việc sử dụng phục vụ cho mục đích học tập và được giáo viên cho phép.      

Chú thích ảnh

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại phải căn cứ vào nhu cầu học tập, giảng dạy. Ảnh: Lê Phú 

 

Đây là điều khiến nhiều phụ huynh, giáo viên đặc biệt quan tâm. Chị Phan Thị Trà My (có con học lớp 8 trường THCS&THPT N.T.T, Hà Nội) rất phản đối quy định này. Chị Trà My cho biết, lứa tuổi các con đã biết sử dụng smartphone và các trang thiết bị thông minh một cách thành thạo. Bình thường, các con chị sử dụng thiết bị công nghệ để học tiếng Anh, làm bài Stem... dưới sự giám sát của bố mẹ. Nhưng nếu rời ra, các con có thể chơi điện tử hoặc truy cập nội dung khác.      

Là một giáo viên có kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm ở trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tam Điệp, Ninh Bình), cô Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên tiếng Anh chia sẻ: Không phải học sinh được mang điện thoại đến trường thì phụ huynh mới quản lý con em mình dễ hơn vì phần lớn các trường đều sử dụng sổ liên lạc điện tử (smas). Học sinh không đến lớp hay đến lớp muộn, hoặc có vi phạm gì ở trường hay lớp học thì giáo viên chủ nhiệm hoặc bộ phận quản lí đều thông tin đến phụ huynh kịp thời.      

Điểm nữa khiến cô Vũ Thị Hồng Vân cho rằng trong các giờ học, học sinh không cần phải sử dụng điện thoại di động là vì thường giáo viên khi muốn học sinh tìm hiểu vấn đề nào đó có liên quan đến bài học đều giao học sinh về nhà tìm hiểu từ tiết trước, hoặc giao cho học sinh tiến hành làm dự án.      “Với nhiều trường học sử dụng Stem hoặc có phòng học tiếng Anh hay tin học riêng đều có kết nối Internet, học sinh học online có thể sử dụng trực tuyến. Giáo viên có thể sử dụng laptop cá nhân bắt 3G/4G từ điện thoại, sau đó có thể trực tiếp tra cứu cùng học sinh”, cô Vũ Thị Hồng Vân nói.      

Một số giáo viên cho rằng, tâm lý của lứa tuổi học trò là thích có những thứ bạn mình có, nên có thể nảy sinh tình trạng học sinh đòi hỏi phụ huynh mua điện thoại, hoặc thậm chí có thể lấy trộm điện thoại của bạn...      

Còn cô Trần Thị Hội, giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cho biết: Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học thì nên để giáo viên bộ môn đó quyết định. Có một số môn có thể cho các em cập nhật thông tin hoặc tìm tư liệu hoặc khai thác những tư liệu không có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên nếu cho sử dụng đại trà theo kiểu học sinh được tự do sử dụng điện thoại trong giờ bất cứ lúc nào thì không nên vì các em dễ lạm dụng điện thoại để làm việc riêng.      

Ở góc độ quản lý, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Nếu mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo có những giải pháp quản lý, giám sát để học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích và thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp thì điện thoại di động sẽ như một công cụ hỗ trợ, nâng cao hiệu quả học tập.  

Kỷ luật tích cực có vênh với thực tế?     

Cũng trong dịp năm học mới này, Bộ GD&ĐT chính thức thông qua Thông tư số 28 về ban hành Điều lệ trường Tiểu học, thay thế cho thông tư cũ đã tồn tại 10 năm.      

Thông tư 28 lần đầu tiên quy định học sinh tiểu học có khuyết điểm, tùy theo mức độ mà giáo viên thực hiện kỷ luật bằng việc nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh. Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. Đây là hình thức kỷ luật tích cực được nhiều phụ huynh đồng tình.  

Chú thích ảnh

Quy định về kỷ luật học sinh cần được xem lại tính thực tế khi áp dụng. Ảnh:  TTXVN

 

Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu được động viên kịp thời, học sinh sẽ phấn khởi, có động lực để cố gắng. Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt của giáo viên.      

Tuy nhiên, trên thực tế, trao đổi với phóng viên, cô K.N, giáo viên trường Tiểu học An Hoà, (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Thực ra phương pháp kỷ luật tích cực nhiều giáo viên đã thấm nhuần nhưng cũng có không ít giáo viên thiếu kiềm chế, chưa làm tốt vấn đề này.      

Đưa ra phân tích vì sao kỷ luật tích cực sẽ khó đạt hiệu quả, cô N.T (một giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nếu chỉ ban hành thông tư không thôi thì sẽ rất khó hiệu quả vì nhiều giáo viên vẫn sử dụng phương pháp truyền thống thưởng, phạt trước lớp, do bối cảnh sĩ số lớp đông, kiến thức nặng và thành tích vẫn đeo bám giáo viên. Nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học vẫn phải nói to, có khi là quát để ổn định lớp học. Vì thế, chính giáo viên cũng bị căng thẳng thì rất khó có thể có kỷ luật tích cực”.

Ở bậc THCS, THPT, hình thức kỷ luật tích cực cũng  được áp dụng tại Dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. Trong đó, nội dung nhận được nhiều quan tâm là quy định bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường. Nhưng thông tư vẫn còn duy trì việc đình chỉ học không quá hai tuần với các em là điều mà nhiều ý kiến còn tranh cãi.    

 Là một trường có nhiều học sinh “cá biệt” và áp dụng những phương pháp kỷ luật tích cực, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng việc đình chỉ học tập chỉ có ý nghĩa giáo dục nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm phải làm rõ trách nhiệm, đồng thời, tiếp tục theo sát học sinh, chứ không phải “tạm đình chỉ” là giao về gia đình. Điều này thực sự không hiệu quả. Thầy Lâm chỉ ra việc kỷ luật chỉ hiệu quả khi kỷ luật của nhà trường chính là tự kỷ luật của học sinh. Để làm được điều đó, phải có hàng loạt giải pháp để nắm được nguyên nhân phạm lỗi, hoàn cảnh gia đình học sinh. Thậm chí, mỗi trường nên có giáo viên tâm lý học đường nhằm có các can thiệp điều trị về tâm lý cho học sinh.      

Như vậy, có những quy định chính thức áp dụng, có quy định sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, nhưng vai trò chính để thực hiện hiệu quả việc này là “giáo viên” lại thấy là... gánh nặng. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng quy định vẫn nên triển khai nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.           

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới