Đề nghị nghiên cứu chỉ ra con đường đi của tham nhũng lớn

16/10/2019 12:13

(ĐCSVN) – Cần giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu chỉ ra con đường đi của tham nhũng lớn; làm rõ tham nhũng vặt tập trung ở lĩnh vực nào... là những đề xuất với Chính phủ được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành gần trọn ngày 15/10 cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp (Ảnh: ĐBND)


Đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Báo cáo trước UBTVQH, đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt.

Về các kết quả cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người. Năng suất lao động đạt khá. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7-3%. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán; tổng chi cân đối ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP. bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP.

Ngoài ra, cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới duy trì ở mức cao, vốn đăng ký tăng mạnh. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhất là nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường. Cải cách hành chính, tư pháp được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và khó khăn, thách thức như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa bền vững; còn xảy ra thất thu, trốn thuế.

Khu vực nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu; giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Nhiều ngành công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào đầu vào nhập khẩu.

Việc thực hiện các đột phá chiến lược chưa đáp ứng yêu cầu. Quy trình ban hành văn bản pháp luật và một số quy định pháp luật còn bất cập

Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp còn cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có nơi còn thiếu tinh thần quyết tâm, chậm đổi mới, chưa dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động; vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn bị buông lỏng, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.

Chỉ rõ tham nhũng vặt tập trung ở lĩnh vực nào

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá, các báo cáo cơ bản đã đáp ứng yêu cầu để trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám; đồng thời, đề nghị Chính phủ cần rà soát, làm rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Cho ý kiến về những vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, một trong những kết quả đạt được là công tác phòng, chống tham nhũng trong năm được tiếp tục duy trì theo hướng quyết tâm và nỗ lực lớn, không có vùng cấm, ngoại lệ, rõ đến đâu xử đến đó. Tuy nhiên, điểm đổi mới là nếu như trước đây các vụ án điều tra xử lý không chứng minh được chiếm đoạt, không chứng minh được vụ lợi cho nên từ những tội lẽ ra tham nhũng thì chuyển sang tội kinh tế như cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì năm nay đã bước đầu chứng minh được yếu tố chiếm đoạt và đã khởi tố điều tra được một số vụ án, đặc biệt trực diện vào tham nhũng là đưa và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, thu hồi tài sản khá hơn so với trước đây.

Bà Lê Thị Nga cũng đánh giá, tham nhũng vặt thời gian qua có chuyển biến nhưng dân còn kêu nhiều; tham nhũng dưới lợi ích nhóm, sân sau là tham nhũng lớn thì thời gian qua có “chùn” lại. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề xuất với Chính phủ 3 vấn đề liên quan đến chống tham nhũng trong những năm tới.

Trước hết, bà đề nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu chỉ ra con đường đi của tham nhũng lớn. “Sau tất cả vụ tham nhũng lớn như: AVG, những vụ sai phạm đất đai ở các địa phương, một số sai phạm ở các Tập đoàn, Tổng công ty... thì cần nghiên cứu chỉ ra con đường đi của tham nhũng lớn, từ đó rút ra cái gì, để tránh tình trạng cứ mải mê chống nhưng phòng chưa đạt yêu cầu ” – bà Nga nói.

Mặt khác, bà đề nghị “cần tiếp tục nghiên cứu quản lý con đường đi của tài sản, của tiền để kiểm soát tài sản thu nhập của người dân nói chung và cán bộ, công chức, nếu không sẽ khó nói đến chuyện chống tham nhũng triệt để”. 

Một đề xuất khác với Chính phủ được bà đưa ra là đối với tham nhũng vặt. “Chính phủ phải chỉ ra tham nhũng vặt tập trung ở lĩnh vực nào; phải xác định trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành và yêu cầu thời gian xử lý, ít ra phải giảm để người dân đỡ kêu” - bà đề nghị.

Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần lưu ý thêm một số vấn đề, trong đó có việc tổ chức thực hiện pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tốt. Cụ thể, một số nội dung văn bản luật hầu như không được triển khai tại một số địa phương hoặc được triển khai nhưng còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai pháp luật chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga dẫn chứng: “Qua giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhận thấy, một số nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy chưa được triển khai, như thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đối với các dự án, công trình. Theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, các địa phương phải ban hành Nghị quyết xử lý các công trình không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy trước ngày Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay mới có 4/63 tỉnh, thành làm Nghị quyết này, 59 tỉnh chưa làm nhưng cũng không làm sao”. 

Mặt khác, bà đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần đề cập đậm nét hơn tới mảng xã hội, bởi lẽ một số vấn đề xã hội đáng quan tâm nổi lên thời gian qua như: tình trạng tội phạm gia tăng, trong đó có một số vụ việc nghiêm trọng như các vụ xâm hại trẻ em, ma túy học đường, ô nhiễm môi trường… Từ đó đề ra những biện pháp phòng ngừa và xử lý hiệu quả.

Đồng tình với Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị chú ý hơn đến tình hình an ninh trật tự, các loại tội phạm như buôn bán ma túy, buôn người tai nạn giao thông để có giải pháp quyết liệt. “Tai nạn giao thông mỗi năm như trước kia tổng hợp cỡ 1 vạn người, toàn người trong độ tuổi lao động, cũng chưa tính số bị thương, như thế tổn thất rất lớn. Đây là vấn đề chúng ta phải hết sức lưu ý. Hay như vấn đề buôn bán ma túy, trước đây chưa bao giờ phát hiện vụ lớn như năm nay. Ma túy đó tung ra thị trường không biết hậu quả khôn lường như nào. Tôi cho rằng, đó là những vấn đề tác động rất lớn nên chúng ta phải đánh giá thật kỹ để giảm tệ nạn ở mức thấp nhất”- Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới