Cần siết chặt kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh

19/07/2018 15:19

(ĐCSVN) – Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải “chặn” ngay từ khâu thẩm tra thì mới nâng cao chất lượng các dự án luật. Cần siết chặt kỷ luật xây dựng luật, pháp lệnh để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công…

Sáng 18/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số thành viên Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Ảnh: TH.

Chất lượng một số dự án luật hạn chế, còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, từ nay đến năm 2020 còn một lượng lớn các luật, pháp lệnh (43 luật, pháp lệnh) cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án luật, pháp lệnh khác để thể chế hóa nghị quyết Trung ương lần thứ 7 đang được tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành. Trong đó, có nhiều dự án phải hoàn thành trong năm 2018, năm 2019 như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Luật Nhà ở...

Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cuối năm 2018 và năm 2019 sẽ rất nặng, dự kiến số lượng luật trình tại Kỳ họp thứ sáu sẽ tăng lên 18 dự án, năm 2019 sẽ là 23 dự án.

Đối với việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thời gian qua việc thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Chương trình xây dựng luật của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực cả về tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình. Chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm. Các dự án luật Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Đó là, chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, tài liệu và hồ sơ một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về hình thức, nội dung, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình, chuyển từ quy trình xem xét và thông qua từ 2 kỳ họp lên 3 kỳ họp; về tiến độ vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình, việc gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cơ quan thẩm tra còn chậm so với quy định, gây bị động và khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội….

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, từ nay đến Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và nhất là năm 2019, nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, thậm chí là quá tải với một số cơ quan, trong khi đó kế hoạch bổ sung, điều chỉnh chương trình chưa rõ ràng.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định lưu ý, trong quá trình thực hiện nhiệm chung, chỉ cần một cơ quan chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện chung. Việc đề nghị bổ sung các dự án luật vào chương trình cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các mặt, nhất là khả năng bảo đảm thực hiện.

Phải “chặn” ngay từ khâu thẩm tra 

Chỉ ra khối lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn lại của năm 2018-2019 và năm 2020 là khá lớn, vượt quá khả năng của chúng ta cả về quỹ thời gian cũng như con người đảm bảo yêu cầu về chất lượng; hay một số luật chất lượng chưa tốt, vừa ban hành xong đã phát sinh vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị, năm 2019, 2020, cần đánh giá lại xem có vấn đề gì phải điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh và nên hạn chế bớt số lượng.

“Phải có trật tự ưu tiên, không thể dàn đều được”, Phó Chủ tịch lưu ý.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị các cơ quan phải chủ động rà soát. Đầu tiên là người gác cổng – Bộ Tư pháp phải xem xét, Ủy ban thẩm tra phải kiên quyết.

“Các Ủy ban của chúng ta chưa thực sự kiên quyết. Nếu không đủ điều kiện thì kiên quyết xem xét để trả lại hay không trả lại. Nếu cứ chạy theo, cho rằng, đã đưa ra UBTVQH là dứt khoát trình ra Quốc hội thì không nên. Chúng ta phải “chặn” ngay từ khâu thẩm tra thì mới nâng cao chất lượng các dự án luật được. Cần siết chặt kỷ luật xây dựng luật, pháp lệnh để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nâng cao trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải phối hợp chặt chẽ để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng, tiến độ và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng thẳng thắn nêu, nếu không cương quyết khắc phục, 10 năm sau những tồn đọng trong công tác xây dựng pháp luật vẫn y như hiện nay. Thậm chí, hiện nay còn phát sinh tình trạng “nửa đường đổi ý”, khiến cơ quan thẩm tra chạy theo rất mệt mỏi, khó bảo đảm tiến độ xây dựng dự án luật.

Để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, một số ý kiến cho rằng, cần chuẩn bị kỹ việc đề xuất đưa dự án luật vào chương trình; tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo; phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định và đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh. Việc giảm tải chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh…/.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới