Bộ Nội vụ đưa 33 thủ tục hành chính vào giải quyết tại bộ phận một cửa

18/06/2019 14:02

Chiều 17/6, Bộ Nội vụ khai trương Bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh: moha.gov.vn

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ là bộ thứ ba trong các bộ, ngành Trung ương tổ chức khai trương và đưa bộ phận một cửa đi vào hoạt động theo tinh thần Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước tối ưu hóa hoạt động quản lý, điều hành trong giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ hành chính công của Bộ Nội vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, từng bước đơn giản hóa thủ tục.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đảm bảo các nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; bảo đảm tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý.

Đến nay, Bộ Nội vụ đã xây dựng và công bố 235 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực công chức, viên chức; tổ chức, biên chế; tổ chức phi chính phủ; chính quyền địa phương; công tác thanh niên; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng.

Trong đó có 112 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp Trung ương, 71 thủ tục hành chính do cấp tỉnh giải quyết, 37 thủ tục hành chính do cấp huyện và 15 thủ tục hành chính do cấp xã giải quyết. Bộ Nội vụ luôn thực hiện theo đúng quy định, trình tự giải quyết các thủ tục hành chính đã được công bố.

Có 8 thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống Một cửa điện tử hoặc tiếp nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa, qua đường bưu điện, đều thuộc lĩnh vực hội, quỹ (tổ chức phi chính phủ), gồm các thủ tục về thành lập hội; phê duyệt điều lệ hội; hội tự giải thể; cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên hội đồng quản lý quỹ; công nhận thay đổi, bổ sung thành viên quản lý quỹ; thay đổi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ (sửa đổi, bổ sung) quỹ; thủ tục quỹ tự giải thể.

Bên cạnh đó, có 25 thủ tục hành chính tiếp nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc qua đường bưu điện thuộc các lĩnh vực công chức, viên chức (thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức…), chính quyền địa phương, tổ chức biên chế, công tác thanh niên, hội, quỹ.

Để việc triển khai Bộ phận một cửa có hiệu quả, giảm các thủ tục phiền hà cho người dân, tổ chức trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Thủ trưởng các đơn vị xác định rõ phạm vi, nội dung, quy trình xử lý các thủ tục cần thực hiện. Trong đó cần xác định tổng số thủ tục hành chính cấp Trung ương tại Bộ Nội vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ; các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính, từ khâu tiếp nhận, chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả.

Các đơn vị tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để thực hiện cắt giảm các quy trình, thủ tục; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức và công dân. Tiếp tục nghiên cứu, hiện đại hóa trang thiết bị và hoạt động của Bộ phận một cửa; ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công trực tuyến các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Nội vụ, giảm tối đa việc đi lại, giao dịch của người dân, tổ chức.

“Tất cả các thủ tục hành chính đã được công bố trong danh mục phải được tiếp nhận tại Bộ phận một cửa mới bảo đảm đúng quy trình để làm cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức coi đây khâu đột phá của Bộ, là thước đo sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với Bộ Nội vụ, từ đó, có ý thức, trách nhiệm hơn trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan; đồng thời giao Văn phòng Bộ phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ giám sát, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; ý thức, năng lực, trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ với người dân, tổ chức, vì một nền hành chính minh bạch, hiệu quả.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới