Bên lề Quốc hội: Nhiều đổi mới trong điều hành của Chính phủ

22/10/2019 14:00

Đánh giá về kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc ngày 21/10, nhiều đại biểu cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sáng tạo... qua đó đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị):

Nhiều đổi mới trong điều hành của Chính phủ

Tôi cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả và chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng đây là một năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch).

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, qua đó tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 ước khoảng 33,8% GDP, phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân với mức tỷ trọng đầu tư tăng lên 45,3% GDP...

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ cần phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau. Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng về số lượng dự án, nhưng giảm về số vốn đăng ký; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; vốn giải ngân một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc.

Mặc dù, kết quả thu ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán, nhưng tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp so với mục tiêu. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao.

Chính phủ cũng cần đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu. Cùng đó, phân tích thêm về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, cần phân tích rõ việc tăng lên của số lượng doanh nghiệp chờ giải thể và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng như thực hiện cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Mặc dù, điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến cho rằng, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Một số chính sách trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần chờ nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể.

Cuối cùng là một số dự án giao thông quan trọng quốc gia còn chậm trong khâu giải ngân, triển khai tổ chức thi công. Các dự án hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác côngcông - tư (PPP) vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa được giải quyết triệt để.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế):

Kỳ vọng vào kết quả tốt hơn

Qua báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2019, tôi rất vui mừng về các chỉ tiêu kinh tế mà Chính phủ đã đạt được so với mục tiêu đề ra; đặc biệt là về tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Ngọc Nghĩa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tôi kỳ vọng vào những tháng còn lại của năm 2019, các chỉ tiêu sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, tạo tiền đề cho kinh tế phát triển mạnh trong năm 2020. Để đạt được kết quả tốt, tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ điều hành linh hoạt và quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Thời gian còn lại của năm không nhiều, Chính phủ cần có những chỉ đạo, giải quyết triệt để những khó khăn còn tồn tại. Cùng với đó, xem xét lại các dự án, nhất là các dự án quan trọng về vấn đề giải ngân, đầu tư, lựa chọn nhà thầu như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. Chính phủ cũng cần quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác như trái phiếu Chính phủ, ODA…

Chính phủ cũng nên quan tâm dự báo được tình hình của khu vực, quốc tế tác động đến kinh tế Việt Nam vì diễn biến kinh tế khó lường, nhất là mâu thuẫn thương mại của các nước lớn sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Một vấn đề nữa là phải dự báo được tình hình nông nghiệp. Nhất là ngành chăn nuôi, bởi đây là quý giáp Tết nên mức tiêu thụ sản phẩm của ngành này rất lớn. Do đó, Chính phủ phải điều hành với tầm vĩ mô để bảo đảm nguồn cơ sở vật chất và nguồn về lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và khu vực. Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới