Bên lề Quốc hội: Dự thảo Luật Kiến trúc bám sát nội dung quản lý và hành nghề

22/05/2019 06:35

Chiều 21/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự thảo Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý đảm bảo tuân thủ theo đúng khung nội dung với hai chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Suốt thời gian qua, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật. Tuy nhiên, quá trình quản lý đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ…

Mặc dù các quy định pháp luật liên quan đến kiến trúc đã được quy định ở một số Luật, Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn có liên quan nhưng mới chủ yếu tập trung quy định về nội dung kỹ thuật. Quy định liên quan đến kiến trúc còn thiếu, chưa có tính hệ thống nên không làm rõ tính đặc thù cao, sự sáng tạo trong kiến trúc, quản lý và hành nghề.

Do vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

Ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) chia sẻ, Bộ Xây dựng ngày trước tên là Bộ Kiến trúc. Vì vậy, Bộ Xây dựng, các kiến trúc sư và nhà quản lý nhà nước đều tập trung, tâm huyết đưa nền kiến trúc Việt Nam lên đỉnh cao mới. Một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo Luật Kiến trúc là quy định công trình kiến trúc phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Quang, đây là vấn đề rất hay, thực sự tâm huyết của các nhà văn hóa nói chung và giới kiến trúc sư nói riêng. Tuy vấn đề này mới mẻ với Việt Nam nhưng nhiều nước đều đã làm. Trong Luật Kiến trúc của Pháp, đầu tiên họ định nghĩa: kiến trúc là biểu hiện của văn hóa. Nhiều nước đều có quy định về bản sắc riêng dân tộc, đã là văn hóa thì phải có bản sắc. Tại Việt  Nam, kiến trúc cần thể hiện bản sắc của 54 dân tộc trong đất nước. Dự thảo Luật Kiến trúc đã xây dựng được hai điều rất quan trọng: bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và yêu cầu quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị.

Dưới góc độ nghề nghiệp, giới kiến trúc sư đặc biệt quan tâm đến quy định về cấp chứng chỉ hành nghề - một nội dung được đề cập đến trong dự thảo Luật Kiến trúc. Kiến trúc sư Trịnh Ngọc Phương cho rằng, xây dựng Luật Kiến trúc cần dựa trên nguyên tắc, kết hợp với sự tương quan, so sánh với các nghề nghiệp khác; không nên hành chính hoá hoạt động nghề nghiệp của các kiến trúc sư. Về mặt chuyên môn, cần xây dựng luật theo hướng mở, vận hành theo cơ chế thị trường, có chấp nhận tồn tại và đào thải.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Trịnh Ngọc Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Kiến trúc sư Trịnh Ngọc Phương, cần có quy định để kiến trúc sư có thể lựa chọn hành nghề trong doanh nghiệp hành nghề kiến trúc hoặc hành nghề với tư cách cá nhân; không nên quy định mang tính bó buộc, bởi các quy phạm pháp luật không mang tính điều chỉnh phù hợp sẽ xảy ra tình trạng lách luật.

Quy định về kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân sẽ đáp ứng nhu cầu của đại đa số các chủ đầu tư nhỏ, lẻ nhưng muốn sử dụng không gian kiến trúc đẹp, phù hợp nhất là ở vùng nông thôn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Chí Quang cho rằng, hiện Chính phủ đã quy định phải giảm thủ tục hành chính, thông thoáng để tạo điều kiện phát triển tốt nhất đối với kinh tế, xã hội; tạo điều kiện với riêng ngành kiến trúc để kiến trúc sư có sự sáng tạo trong nghề nghiệp, yên tâm trong hành nghề của họ.

Hành nghề kiến trúc được xây dựng một chương trong dự thảo Luật với nhiều điểm mới mới do Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính. Theo quy định cũ, kiến trúc sư được phân hạng chứng chỉ cấp 1, 2, 3. Tuy nhiên, sau tham khảo kinh nghiệm thế giới, dự thảo Luật đề xuất chỉ có 1 hạng. Trong nghề sáng tạo như kiến trúc thì người trẻ hay người nhiều kinh nghiệm vẫn cần nhất là đột phá trí tuệ, sáng tạo nghệ thuật nên cần hướng tới sự bình đẳng, tránh rào cản.

Trước kia, muốn hoạt động hành nghề kiến trúc phải có công ty, tổ chức, chứng chỉ năng lực phân 1,2,3 cấp. Sau khi tham khảo, xem xét, dự thảo Luật mạnh dạn đề xuất bỏ cấp chứng chỉ năng lực tổ chức hay phân hạng mà chỉ đặt ra một số điều kiện cơ bản như: doanh nghiệp đó phải có người quản lý chịu trách nhiệm về kiến trúc với đầy đủ chứng chỉ hành nghề; tuân thủ pháp luật về doanh nghiệp. Việc phá dỡ rào cản này nhằm tạo điều kiện để các kiến trúc sư phát triển tốt nhất – ông Quang phân tích.

Tiến sỹ - Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận xét, tinh thần chung trong dự thảo Luật Kiến trúc là đề cao vai trò và trách nhiệm nghề nghiệp của kiến trúc sư. Do đó, bên cạnh việc tạo một môi trường lành mạnh hơn cho sáng tác kiến trúc, Luật cũng gắn trách nhiệm của người thiết kế với tác phẩm của mình. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý xây dựng.

Kiến trúc là một ngành khá tổng hợp. Do vậy, xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc đòi hỏi không chỉ tăng cường quản lý ở văn bản pháp luật cao nhất mà còn định hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Việc ban hành Luật Kiến trúc không chỉ đáp ứng được mong mỏi của giới kiến trúc sư, của xã hội mà giúp cho nhiệm vụ quản lý nhà nước tốt hơn, phát huy được các nguồn lực.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới