Bảo hiểm xã hội đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội

28/10/2021 13:04

“Tin tưởng rằng sau kỳ họp này, chúng ta sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong triển khai, phát triển các chính sách bảo hiểm xã hội. Một trong những trụ cột quan trọng nhất của chính sách an sinh xã hội”. Đây là ý kiến tiếp thu giải trình của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
 

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong báo cáo thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 cho thấy tỷ lệ người tham gia so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,33%, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng con số khiêm tốn so với tiềm năng. “Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, có một phần nguyên nhân do chế độ được hưởng chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ dừng lại ở chế độ hưu trí và tử tuất nên cũng kém thu hút so với các loại hình bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm thương mại là có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Mặt khác, tôi cho rằng công tác tuyên truyền chưa đầy đủ và cũng chưa kịp thời, cùng với rất nhiều lý do như ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu”, đại biểu Hoàng Ngọc Định nêu ý kiến.

Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định, sớm sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm để có các biện pháp tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện cũng như giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc như báo cáo đã nêu.  

Về báo cáo công tác quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội, một số ĐBQH cho biết trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội có nêu tồn tại, hạn chế về phương thức thanh toán, chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua tiếp tục bộc lộ những bất cập.  

Tại Điều 30 Luật BHYT năm 2008 về phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT có đưa ra 3 phương thức thanh toán là theo định suất, theo giá dịch vụ và theo trường hợp bệnh. Ngày 30/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2747 phê duyệt triển khai thí điểm phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan tại 5 tỉnh, thành phố từ ngày 1/7 đến 31/12/2020. Ngày 29/4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04 hướng dẫn phương thức thanh toán theo định suất.  

Tuy nhiên hiện nay cũng chưa triển khai thực hiện được và trong các báo cáo kèm theo cũng chưa có tổng kết, đánh giá về nội dung này. Các ĐBQH đề xuất Chính phủ cần có báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm, đánh giá các tác động về mọi mặt, khi đưa ra phương thức thanh toán này, nếu có tác động tích cực thì cần sớm ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện.  

Về chính sách BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều ĐBQH cho rằng, đối với các xã vùng III khi đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Chính phủ thì sẽ chuyển lên vùng I và không được hưởng các chế độ chính sách, nhất là chính sách về BHYT.

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các tỉnh miền núi, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn, các xã vùng III cơ bản là các xã có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên rất khó khăn. Mặc dù đã đạt các tiêu chuẩn về nông thôn mới nhưng vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thay đổi. Người dân vẫn là dân tộc thiểu số, mức sống có tăng nhưng không ổn định, do chủ yếu vẫn làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn ra nên đời sống của người dân nơi đây vẫn còn có những khó khăn, thách thức.

Do đó, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ có giải pháp theo hướng điều chỉnh thời gian bắt đầu thực hiện phù hợp để người dân có thêm một khoảng thời gian nhất định thích ứng với việc sẽ không còn có các chế độ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở có khoảng thời gian để tuyên truyền, vận động, tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao mức sống, sẵn sàng lên vùng I mà không cần đến các chế độ hỗ trợ.  

Về phát triển đối tượng tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân, nhiều ĐBQH đề xuất, Chính phủ cũng cần có giải pháp để mở rộng hệ thống đại lý thu và khuyến khích các đại lý thu tích cực, chủ động, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, triển khai và giám sát thực hiện chính sách về BHYT, BHXH. Không chỉ về mặt phát triển đối tượng tham gia mà còn về các quy định của pháp luật nhằm đấu tranh phòng chống tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.  

Sớm có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 528 của Thường vụ Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá cao việc ngành bảo hiểm đã cắt giảm chi phí quản lý so với quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra cũng như báo cáo của Chính phủ thì việc cắt giảm so với năm 2019 xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển đối tượng và quản lý thu BHXH năm 2020 thì các mục này đều cao hơn so với năm 2019, trong khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin thì mức giảm này còn chưa tương xứng.  

Nhiều ĐBQH kiến nghị đối với chi phí quản lý quỹ, tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, trong quản lý quỹ, chủ động, tích cực, quyết liệt sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn.  Các chỉ tiêu này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và chi phí quản lý phải được gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và hiệu quả sinh lời từ hoạt động của quỹ.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang cũng đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 528 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm quyết định cho giai đoạn tiếp theo theo quy định của Luật BHXH.

“Bây giờ đã là cuối tháng 10 rồi, nếu Chính phủ trình không sớm thì quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không được xem xét kịp thời để thực hiện, triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, ĐBQH Nguyễn Trường Giang kiến nghị.  

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: BHXH đến nay thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, đã góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động.  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật việc làm.

“Cuối tháng 10 này, phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật BHXH (sửa đổi). Thể chế hóa Nghị quyết 28, Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm, trong đó một số nội dung đã tiến hành. Ví dụ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vấn đề điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách nhà nước cũng đã tiến hành rồi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tới đây sẽ sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng làm sao để phát triển bền vững. Điều chỉnh hưởng chính sách một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới