5 năm đổi mới giáo dục: Thế giới ấn tượng về sự phát triển ở Việt Nam

17/10/2018 14:28

Ngân hàng Thế giới khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018).

Chất lượng giáo dục được nâng lên

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.

Ở bậc mầm non, ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non được tăng cường. Vì thế, chất lượng giáo dục ở bậc học này ngày càng được nâng lên.

Với giáo dục phổ thông, đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá được xác định là khâu đột phá để thực hiện Nghị quyết 29. Việc đổi mới thi theo hướng coi trọng sự phát triển cá nhân (bỏ việc chấm điểm, xếp loại với học sinh tiểu học), chú ý tới vận dụng kỹ năng và giảm áp lực thi cử (tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, đề thi thay đổi theo hướng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn).

Những điều chỉnh trong thi cử và đổi mới trong nội dung, phương pháp dạy học đã giúp cho giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. 

Với giáo dục phổ thông đại trà, kết quả kỳ thi PISA năm 2015, học sinh Việt Nam đứng vị trí thứ 8 về khoa học, 22 về toán học và 32 về đọc hiểu so với 72 quốc gia tham gia. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021.

Với giáo dục mũi nhọn, kết quả các kỳ thi Olympic đã có những bước tiến vượt bậc từ năm 2013 đến nay, so với các năm trước đó. Đặc biệt, năm 2017, các đội học sinh thi Olympic đều đạt thành tích cao kỷ lục, Việt Nam giành 14 huy chương vàng, gấp 7 lần so với các năm 2010 và 2011. Năm 2018, Việt Nam cũng đoạt 38 huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, ở các kỳ thi Olympic.

Với bậc đại học, đào tạo đã bắt đầu gắn kết với nhu cầu lao động. Bộ đã có những điều tiết như không tăng chỉ tiêu khối ngành kinh tế, cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, khuyến cáo người học về ngành học đã bão hòa nhu cầu nhân lực.

Các trường đại học cũng được đẩy mạnh quyền tự chủ, gắn đào tạo với doanh nghiệp, xây dựng chuẩn và cam kết về chất lượng đầu ra, đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học. Chất lượng đào tạo, nghiên cứu được nâng lên, tăng vị thế các trường đại học của Việt Nam trên bản đồ đại học khu vực và quốc tế. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có hai đại học nằm trong nhóm 1.000 trường danh tiếng nhất thế giới.

Xác định yếu tố quyết định thành bại của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp để phát triển đội ngũ. Bộ xây dựng chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng với các tiêu chí cụ thể, từ đó xác định nhu cầu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu mới.

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Còn theo kết quả được rút ra từ Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện, Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Với vị trí này, Việt Nam vượt lên trên các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Canada (xếp hạng 20) và Mỹ (hạng 25). 

 

Giáo dục Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. (Ảnh: TTXVN)


Vẫn còn nhiều tồn tại

Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng ngành giáo dục vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.

Tiến độ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm hai năm, dự kiến đến năm 2020 mới có thể bắt đầu triển khai trong khi theo lộ trình của Chính phủ là từ năm 2018.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi có đổi mới nhưng chưa đồng bộ: cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học, còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập. Chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp. Giáo dục phổ thông chuyển sang định hướng đánh giá năng lực, trong khi giáo dục đại học vẫn đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp học phần.

Đổi mới thi trung học phổ thông tuy đã giảm được áp lực và tốn kém nhưng vẫn còn có sự chưa phù hợp về đề thi, còn lỗ hổng trong quy trình dẫn đến gian lận thi cử nghiêm trọng trong năm 2018.

Những vấn đề như bạo lực học đường, lạm thu, dạy thêm học thêm vẫn diễn ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn còn bất cập thừa, thiếu.
Việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn chưa thực sự hiệu quả. Việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng học tập… cho học sinh ở nhiều trường chưa được chú trọng. 

Chương trình đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được hiện đại hoá, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, thiếu gắn kết với thị trường lao động. 

 

Giờ học thực hành của sinh viên. (Ảnh: TTXVN)


Đổi mới công tác quản lý – giải pháp đột phá 

Trước những bất cập trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ nỗ lực để khắc phục trong thời gian tới và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29.

Cụ thể, bộ sẽ xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra các cấp học, trình độ đào tạo; hoàn thành việc xây dựng và triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; thực hiện phương pháp thi cử bảo đảm trung thực, khách quan.

Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, phát triển đội ngũ, đổi mới cơ chế tài chính…

Trong đó, Bộ xác định giải pháp đột phá trong giai đoạn tới là đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở đào tạo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; coi trọng quản lý chất lượng.

Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 29 trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị việc xác định lương của nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tiêu chuẩn, công việc, theo vùng. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan điểm này đã được đặt ra từ Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Do đó, cần có chế độ, chính sách về lương thích hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội bảo đảm 20% ngân sách chi cho giáo dục và có cơ chế để Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia việc phân bổ, dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước của ngành. Ngành giáo dục được tham gia phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm giải quyết các nút thắt, cản trở quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Với các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần có trách nhiệm quản lý các hoạt động giáo dục đào tạo và nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định phân cấp quản lý nhà nước, trong đó có trách nhiệm giải trình và thực hiện giải pháp giải quyết các tồn tại, hạn chế của giáo dục đào tạo tại địa phương.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới